Cà Mau: Khơi dòng di sản
21/07/2023 | 17:15Ðời sống tinh thần phong phú, cư dân Cà Mau cũng đã gìn giữ, bảo tồn, sáng tạo và phát huy được nhiều di sản văn hoá phi vật thể mang cốt cách, phong vị đặc trưng riêng.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Tỉnh Cà Mau hiện có 51 di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Các di tích đều được gìn giữ, phát huy ở chừng mực nhất định. Dù nguồn lực có hạn, nhưng công tác trùng tu, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích luôn được quan tâm triển khai”. Bằng nỗ lực ấy, ông Hùng khẳng định: “Cà Mau không có di tích trở thành phế tích”.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hoá của Cà Mau vẫn gặp không ít khó khăn. Theo ông Hùng: “Các di tích do nhiều nguyên nhân vẫn chưa phát huy hết giá trị kỳ vọng trong việc giáo dục truyền thống, gắn với khai thác giá trị du lịch”. Lý do được chỉ ra là nguồn lực đầu tư cho các di tích của địa phương có giới hạn, trong khi đó, nhu cầu thực tế là rất lớn. Thêm nữa, tài nguyên tiềm năng về di tích lịch sử - văn hoá của địa phương vẫn còn chưa được khai thác hết. Nghĩa là có nhiều nơi nếu được quan tâm đầu tư, phục dựng, hoàn thiện về mặt hồ sơ sẽ đầy đủ điều kiện để trở thành di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng hoặc được thăng cấp xếp hạng.
Trước dư luận cho rằng nhiều dự án trùng tu, tôn tạo có tiến độ đầu tư chậm. Việc phân cấp quản lý và giải pháp huy động nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa bền vững; công tác phục dựng, trùng tu còn bất cập, ông Hùng lý giải: “Một số di tích gắn với danh lam thắng cảnh, tâm linh có khả năng phát triển du lịch thì khả năng huy động xã hội hoá rất tốt. Tuy nhiên, một số di tích khác thì rất khó thu hút nguồn lực này, đây là tình hình chung. Phát huy giá trị di tích không chỉ là trùng tu, tôn tạo, mà phải khai thác được các giá trị di tích gắn với đời sống thực tiễn của cộng đồng. Ðiều này, các địa phương có di tích chưa nhiều nơi làm được. Còn việc các dự án trùng tu, tôn tạo di tích tiến độ chậm, do khó khăn về nguồn vốn. Cà Mau còn vướng “nút thắt” lớn khi chưa có bảo tàng (để trưng bày, giới thiệu hiện vật... - NV), chưa có nhà hát cấp tỉnh. Do đó, điều kiện phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể còn nhiều hạn chế”.
Bàn về giải pháp khắc phục, ông Hùng nhấn mạnh: “Phải nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, chủ động; tiếp tục tham quan, học tập những địa phương khác để tìm ra giải pháp khả thi, phù hợp. Phải nêu cao vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá”. Ông Nguyễn Ðức Tiến, Phó trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HÐND tỉnh, nhận định: “Ðể có giải pháp lâu dài, ngành văn hoá cần đề xuất phương án phân bổ nguồn lực trùng tu, bảo tồn theo cấp độ ưu tiên, trong đó có việc huy động các nguồn lực xã hội thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách”.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, cho rằng: “Vấn đề phát huy giá trị các di tích đã hình thành cũng cần rất nhiều yếu tố, sự nỗ lực. Thẳng thắn mà nói, dù cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, thiếu sót, thiếu năng động, thiếu quyết liệt. Không chỉ với những di tích đã hình thành, những tài nguyên tiềm năng về di tích lịch sử - văn hoá của địa phương không thể lãng phí, bỏ quên, mà cần phải có quyết tâm đủ lớn, giải pháp hiệu quả để khai thác, vực dậy, góp thêm nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của địa phương”.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh Cà Mau đã chú trọng việc đầu tư, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh nhà. Trong đó, có những di tích đã phát huy tốt giá trị, đóng góp không chỉ về mặt kinh tế - xã hội, mà còn trở thành tài sản tinh thần, văn hoá to lớn của địa phương, giúp người dân Cà Mau thêm gắn bó, tự hào về quê hương, quảng bá hình ảnh đất và người Cà Mau đến với bạn bè khắp nơi. Ðây là công việc quan trọng, sẽ được tính toán để thực hiện kiên trì, trọng tâm, trọng điểm, trong đó có các giải pháp khả thi, hiệu quả về huy động nguồn lực đầu tư”.
Một định hướng lớn của ngành văn hoá là gắn việc phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá với chủ trương phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau. Bởi di tích lịch sử - văn hoá là tài nguyên du lịch quý giá gắn với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hoá... Ðây là các xu thế được du khách ưa thích hiện nay. Vấn đề không chỉ là đầu tư, xây dựng từng di tích riêng lẻ, mà theo ông Trần Hiếu Hùng là phải có sự kết nối cả về không gian văn hoá, về mạng lưới giao thông, về sản phẩm du lịch của toàn bộ hệ thống di tích lịch sử - văn hoá. Phải làm sao để du khách đến Cà Mau có được một tour - tuyến thuận lợi, hấp dẫn, thú vị để trải nghiệm, khám phá về lịch sử, văn hoá, thiên nhiên Cà Mau./.
Theo Báo Cà Mau