Cà Mau: Ðể phát triển du lịch từ di tích
24/05/2024 | 15:33Theo đánh giá của ngành chức năng, bên cạnh tài nguyên du lịch thiên nhiên, Cà Mau cũng là vùng đất hội tụ nhiều di tích lịch sử (DTLS), di sản văn hoá. Thế nhưng thời gian qua, việc khai thác lợi thế này trong phát triển du lịch còn khá khiêm tốn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 55 di tích được xếp hạng (có 12 di tích quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh). UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1519/QÐ-UBND, ngày 09/6/2022, về việc phân cấp quản lý các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, theo đó đã phân giao trách nhiệm đối với UBND các huyện, TP Cà Mau, các cơ quan, tổ chức có liên quan và đơn vị sự nghiệp trực thuộc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Một số di tích quốc gia và cấp tỉnh được quan tâm trùng tu, tôn tạo, phối hợp tổ chức hoạt động ngoại khoá cho các đối tượng là học sinh, đoàn thanh niên, các đoàn khách đến tham quan.
Nhìn tổng quan, Cà Mau có lợi thế trong khai thác du lịch di tích, du lịch tâm linh. Thế nhưng thực tế thời gian qua, số DTLS đã đưa vào khai thác phát triển du lịch chiếm tỷ lệ rất ít.
Ông Trần Trường Nguyên, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin TP Cà Mau, cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 4 DTLS cấp quốc gia và 11 DTLS cấp tỉnh. Các di tích này hằng năm được ngành chức năng quan tâm đề xuất trùng tu, tôn tạo để đón khách tham quan, du lịch. Thế nhưng, những tồn tại cần nhìn nhận là, hầu hết các DTLS trên địa bàn đều mang bản chất bảo tồn văn hoá, mà chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư khai thác du lịch.
Theo ông Nguyên, các DTLS do Nhà nước quản lý vẫn còn mang nặng cơ chế bao cấp, dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, chưa có cơ chế thích hợp để khuyến khích và tạo điều kiện cho chủ sở hữu hoặc hợp tác doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động kinh doanh du lịch tại các điểm DTLS; có một số DTLS được đầu tư trùng tu, tôn tạo với kinh phí khá lớn, nhưng vẫn thiếu các điều kiện phục vụ khách du lịch như: bãi đậu xe, dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, vệ sinh công cộng, vui chơi giải trí. Cùng với đó, đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch tại các điểm DTLS còn hạn chế. Ðối với những đoàn khách đi theo tour do các công ty du lịch tổ chức thì có hướng dẫn viên theo đoàn, nhưng các hướng dẫn viên này chỉ nắm thông tin một cách khái quát mà không am hiểu sâu sắc các giá trị văn hoá của các di sản tại các điểm tham quan, các điểm DTLS. Thiếu các ấn phẩm du lịch để giới thiệu với khách du lịch về giá trị của các DTLS trên địa bàn thành phố.
Với góc nhìn chung, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, một số di tích, di sản có tính chất, giá trị lớn, hiện còn giữ được những hiện vật, song chưa được phát huy đúng mức, chưa biến nó trở thành tài nguyên du lịch. Khó khăn, hạn chế đã được nhìn nhận, chủ yếu là do các di tích đa phần là DTLS cách mạng, ở xa trung tâm tỉnh, các dịch vụ bổ trợ quanh điểm di tích chưa nhiều, đường đến di tích còn khó khăn nên khó tổ chức tour - tuyến du lịch với lượng khách lớn từ các công ty lữ hành; cơ sở vật chất kỹ thuật (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng...) chưa được đầu tư, làm hạn chế khả năng phát triển của điểm đến. Bên cạnh đó, nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp, công tác trùng tu, tôn tạo, phục dựng di tích còn chậm nên chưa đưa vào khai thác phát triển du lịch.
Cần cơ chế, chính sách phù hợp
Ông Nguyên nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định, du lịch tâm linh đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến, có sự đóng góp to lớn và bền vững vào sự phát triển du lịch. Những lợi ích của du lịch tâm linh không chỉ về kinh tế mà còn có những giá trị về mặt tinh thần cho đời sống xã hội. Khách du lịch thường hội tụ về những điểm du lịch tâm linh như: chùa, đình, miếu, khu tưởng niệm, các di tích, những vùng đất linh thiêng, lễ hội đặc sắc...”.
Theo ông Nguyên, cần nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách để khuyến khích các DN tham gia phát triển du lịch tại các điểm di tích. Có như vậy mới tạo điều kiện bảo tồn và phát huy những giá trị DTLS, chú trọng đầu tư các công trình phục vụ khách du lịch tại các điểm di tích để phục vụ du khách được tốt hơn.
Bên cạnh đó, hình thành và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại các điểm DTLS, tổ chức hướng dẫn cho khách tham quan ở các điểm di tích và kết nối các điểm du lịch lân cận một cách linh hoạt, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Cần chú trọng trong việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về du lịch ở các điểm di tích, liên kết với các DN lữ hành để tạo nguồn khách du lịch trong nước và quốc tế đến các DTLS. Ðồng thời, cần nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, các sản phẩm quà lưu niệm, dịch vụ ăn uống, thưởng thức nghệ thuật truyền thống...
Tập trung huy động đa dạng mọi nguồn vốn cho việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đến điểm du lịch, các khu di tích. Trên cơ sở quy hoạch cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến nhằm mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch, các khu di tích với quy mô thích hợp, có kiến trúc hài hoà với môi trường, cảnh quan thiên nhiên, để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách khi đến TP Cà Mau.
Cùng quan điểm trên, để khai thác hiệu quả hơn nữa những giá trị từ DTLS đối với hoạt động du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong thời gian tới cần có chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN tham gia vào các hoạt động bảo tồn di tích, di sản, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Cung cấp thông tin, trang bị những kiến thức cơ bản, các kỹ năng cần thiết để DN tham gia hiệu quả vào bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, giúp DN thấy được vai trò của mình trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc biệt là vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ và bảo tồn di sản văn hoá của địa phương. Khuyến khích các DN du lịch xây dựng chương trình du lịch, trong đó kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái cộng đồng với các DTLS, các lễ hội để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Tiếp tục phối hợp với các trường học tổ chức những buổi ngoại khoá giáo dục truyền thống đến học sinh, sinh viên.
Ðồng thời, tu bổ, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn tỉnh (theo phân cấp quản lý). Ngoài ra, kết cấu hạ tầng, giao thông đến các điểm di tích có tiềm năng phát triển du lịch cần phải đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Ðẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ và gìn giữ các giá trị văn hoá, lịch sử ở địa phương...
Theo Báo Cà Mau