Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cà Mau đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

04/07/2023 | 16:42

Cùng với phát triển du lịch, tỉnh Cà Mau cũng đã và đang tập trung phát triển các ngành dịch vụ và công nghệ phụ trợ cho du lịch, như: Phát triển các nghề truyền thống; dịch vụ mua sắm, ăn uống; tài chính ngân hàng; viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển hàng không... cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Cà Mau có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Cà Mau đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, các dự án phát triển khu, điểm du lịch trọng tâm của tỉnh; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa… nhằm đưa du lịch trở thành trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Cà Mau đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Ngành Du lịch Cà Mau những năm gần đây đã có sự “chuyển mình” mạnh mẽ.

Tiềm năng lớn

 Cà Mau có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Cà Mau có 12 di tích Quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận. Trong đó có 03 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và 2 loại hình tri thức dân gian: Nghề thủ công truyền thống Gác kèo ong và nghề thủ công truyền thống Muối ba khía.

Cà Mau sở hữu 02 Vườn Quốc gia (Mũi Cà Mau, U Minh hạ) được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và khu Ramsa thế giới, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, với trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt… đã tạo cho Cà Mau tiềm năng du lịch rất lớn.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau luôn khẳng định vai trò quan trọng của du lịch đối với sự phát triển của tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 –NQ/TU, ngày 10/10/2016 về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 14/7/2017 thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch 29/KH-UBND ngày 14/02/2023 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU.

Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cà Mau, tỉnh đã xây dựng các đề án để thúc đẩy mời gọi nhà đầu tư tập trung phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau; Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch được triển khai thực hiện tích cực; đồng thời đầu tư xây dựng và mở rộng điểm du lịch văn hoá, lịch sử tại các khu di tích trong tỉnh.

Cùng với phát triển du lịch, tỉnh Cà Mau cũng đã và đang tập trung phát triển các ngành dịch vụ và công nghệ phụ trợ cho du lịch, như: Phát triển các nghề truyền thống; dịch vụ mua sắm, ăn uống; tài chính ngân hàng; viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển hàng không... cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch

Cà Mau đang tập trung xây dựng, phát huy và khai thác tốt lợi thế, tiềm năng du lịch của địa phương... nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã đón hơn 1.160.000 lượt khách, tăng 36% so cùng kỳ 2022; đạt 66,6% so kế hoạch năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 1.520 tỷ đồng, tăng gần 33% so cùng kỳ 2022; đạt gần 77% so kế hoạch năm 2023. Cà Mau đã tổ chức thành công nhiều hoạt động như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; Lễ tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương; sự kiện kết nối đường bay Hà Nội - Cà Mau; sự kiện “Hương rừng U Minh”; Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ III và các hoạt động thể dục, thể thao; hội chợ thương mại; cùng nhiều hoạt động du lịch khác...

Trong thời gian tới, Cà Mau tiếp tục liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước để kết nối phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch. Ngoài ra, Tỉnh cũng tăng cường quảng bá, giới thiệu du lịch Cà Mau trên các trang thông tin điện tử, Cổng thông tin du lịch Cà Mau… nhằm định hình nên một hình ảnh Cà Mau là điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, bên cạnh việc triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; Khu du lịch sinh thái vườn Quốc gia U Minh Hạ; phát triển du lịch cụm đảo Hòn Khoai… tỉnh đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cần thiết cho ngành du lịch vận hành và phát triển phù hợp với xu thế chung.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính cũng được tỉnh triển khai quyết liệt nhằm xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân về cơ chế, hoạt động kết nối, hợp tác kinh doanh trên các lĩnh vực hoạt động du lịch.

Ngành du lịch tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đón 16.000 lượt; tổng thu từ du lịch khoảng 8.460 tỷ đồng. Đến năm 2030, đón 4,7 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đón 74.000 lượt. Tổng thu từ du lịch khoảng 16.000 tỷ đồng. 

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×