Buôn Ma Thuột sẽ trở thành "Thành phố Cà phê của thế giới"
04/04/2022 | 11:48Nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh Đắk Lắk đến thị trường khách tại TP. Hà Nội và các địa phương trong cả nước, vừa qua, Sở VHTTDL Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk tại Hà Nội.
Sự kiện này cũng nhằm hưởng ứng Phương án mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới của Bộ VHTTDL. Đồng thời, mở rộng hợp tác, kết nối điểm đến, khẳng định thương hiệu du lịch Đắk Lắk trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk cho biết, lượng khách đến tỉnh Đắk Lắk thời gian qua suy giảm nặng nề do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Để bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh bình thường mới, tỉnh Đắk Lắk định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng, di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề: ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch (huyện Lắk, huyện Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột). Ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao; hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; hệ thống cơ sở lưu trú; nhất là phát triển cơ sở lưu trú theo hình thức nhà ở có phòng cho thuê (homestay) tại một số thôn, buôn được quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng.
Cũng theo lãnh đạo Sở VHTTDL, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, mua sắm hàng hóa; dịch vụ ăn uống, ẩm thực; dịch vụ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, giải trí về đêm; xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố Cà phê của thế giới"; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia; xây dựng và triển khai mô hình sản phẩm "du lịch thân thiện với voi"; hoàn chỉnh các dự án đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng.
Nhận thức rõ những tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Đắk Lắk tập trung khai thác thế mạnh về di sản văn hóa của 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh; đầu tư hoàn chỉnh các dự án du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay. Đồng thời, phát triển làng nghề, nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, nông trại trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục phát huy thế mạnh của các món ẩm thực và quà tặng đã được xác lập tại Top 100 kỷ lục Việt Nam, phát triển các sản phẩm OCOP du lịch và làng nghề, ẩm thực, đặc sản địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mạo hiểm như chèo thuyền Kayak vượt thác ghềnh trên sông Sêrêpôk, đi xe đạp địa hình băng rừng vượt suối; leo núi, cắm trại trong Vườn quốc gia Yok Don, Cư Yang Sin, Rừng đặc dụng Nam Ka, Rừng Lịch sử Văn hóa Môi trường hồ Lắk... qua đó phát triển du lịch bền vững, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại của địa phương.
Là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, Đắk Lắk kết nối dễ dàng với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai thông qua Quốc lộ 14. Tỉnh này cũng có sân bay Buôn Ma Thuột - là một trong những Cảng hàng không lớn, hiện đại được xác định là đầu mối giao thông quan trọng - cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và trong tương lai kết nối với các sân bay thị trường quốc tế.
Hiện nay, du lịch Đắk Lắk đang được định hướng trở thành trung tâm liên kết của vùng Tây Nguyên và có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sự liên kết với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
"Với những tiềm năng và lợi thế trên, trong những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch. Tỉnh đã đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… và đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đắk Lắk.", ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh.
Khẳng định Tổng cục Du lịch cam kết luôn đồng hành cùng Đắk Lắk, sẵn sàng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Đắk Lắk khi đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tới các thị trường du lịch lớn, trong đó có Hà Nội.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ đề nghị địa phương, doanh nghiệp Đắk Lắk cần quan tâm đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của du lịch Đắk Lắk. Bên cạnh các giải pháp kích cầu thông qua ưu đãi, khuyến mại, du lịch Đắk Lắk cần duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp chất lượng, bổ sung nhân lực.
Bên cạnh đó, địa phương cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới trên cơ sở phát huy tính độc đáo, đặc trưng sản phẩm du lịch Tây Nguyên, đặc biệt là đáp ứng thị hiếu của du khách hậu Covid-19; phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch giữa Đắk Lắk với các địa phương khác; kêu gọi liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá vào các thị trường mục tiêu, thị trường nguồn; chú trọng đặc biệt đến việc sử dụng công nghệ trong xúc tiến, quảng bá du lịch như các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên nền tảng số; ưu tiên đầu tư phát triển đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ.