Bước tiến trong liên kết phát triển du lịch giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh vùng Đông Bắc
09/05/2024 | 15:06Thời gian qua, hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh Đông Bắc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, năm 2023, với vai trò là đơn vị trưởng nhóm liên kết, Vĩnh Phúc đã có nhiều hoạt động đổi mới về hình thức hợp tác, thu hút lượng khách đến với địa phương và các tỉnh Đông Bắc ngày càng tăng.
Vùng trung du, miền núi phía Bắc nói chung và 8 tỉnh trong liên kết vùng Đông Bắc nói riêng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc); nhiều vịnh, thác, hồ huyền thoại như Vịnh Hạ Long, Thác Bản Giốc (Cao Bằng), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Cấm Sơn (Bắc Giang)…
Cùng nhiều hệ thống hang động đẹp như động Nhị Thanh (Lạng Sơn), động Ngườm Ngao (Cao Bằng), động Hua Mạ, hang Thẳm Phầy (Bắc Kạn), động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt (Quảng Ninh); các vườn quốc gia như Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và các khu bảo tồn thiên nhiên…
Với thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Vĩnh Phúc có tiềm năng để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao; du lịch mạo hiểm hay du lịch tâm linh… hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá.
Để phát triển du lịch cùng với hoạt động liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm thu hút du khách, Vĩnh Phúc đã tham gia chương trình hợp tác ký kết phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh vùng Đông Bắc.
Đặc biệt, trong năm qua, với vai trò là đơn vị trưởng nhóm liên kết, Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương thuộc các tỉnh Đông Bắc ban hành “Kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết hợp tác các hoạt động phát triển du lịch 2023 - 2024” một cách phù hợp nhất với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Trong đó, lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên thực hiện, đổi mới về hình thức hợp tác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả liên kết, các địa phương ngay sau khi cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 đã mở cửa đón khách du lịch trở lại và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động trong liên kết nhóm như tổ chức xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc với Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động Ngày hội văn hóa các tỉnh Đông Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức các giải thể thao như giải Golf giữa các tỉnh miền Bắc và miền Nam… qua đó tăng cường xúc tiến, quảng bá và triển khai sâu rộng các sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc.
Nhờ vậy, lượng khách đến với Vĩnh Phúc và các tỉnh Đông Bắc năm 2023 tăng cao, đặc biệt là lượng khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều du khách lần đầu tiên được đến với Vĩnh Phúc nói riêng và tham gia tour, tuyến tới các tỉnh Đông Bắc nói chung.
Đánh giá về hoạt động hợp tác liên kết du lịch giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thao cho biết: “Vĩnh Phúc được biết đến với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng như du lịch nghỉ dưỡng - Tam Đảo, du lịch tâm linh - Tây Thiên; Tuyên Quang cũng có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như nguồn suối khoáng được đánh giá chất lượng tốt nhất Đông Nam Á, Khu di tích lịch sử Tân Trào, Lễ hội Thành Tuyên, khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được ví như Hạ Long giữa đại ngàn Đông Bắc…
Trong năm qua, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang đã ký kết hợp tác, mở màn với chương trình nghệ thuật “Chung một dòng sông” và bước đầu thành công. Thời gian tới, để phát triển du lịch, 2 tỉnh cần tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng, tổ chức hội nghị xúc tiến để mời các doanh nghiệp lữ hành cũng như các đơn vị nhà đầu tư tham gia để phát triển sản phẩm du lịch; liên kết hợp tác phát triển chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin giữa phát triển du lịch Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Tin tưởng rằng, việc ký kết hợp tác giữa 2 tỉnh sẽ đạt được mục tiêu về tăng trưởng du lịch”.
Trong năm 2023, lượng khách quốc tế đến các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Bắc đạt 2,97 triệu lượt, vượt kế hoạch; khách nội địa đạt 48,7 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 282,6 nghìn tỷ đồng (trong đó, tỉnh Quảng Ninh đạt 33 nghìn tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Phúc đạt 9,2 nghìn tỷ đồng…).
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, du lịch các tỉnh Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế. Nhiều khu, điểm du lịch của các tỉnh vùng Đông Bắc cũng đã nhận được nhiều giải thưởng tại lễ trao Giải thưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của Giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch vùng Đông Bắc trên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Kết quả này đã thể hiện rõ sự quyết tâm cố gắng nỗ lực của 9 tỉnh, thành phố tham gia chương trình liên kết trong việc chung tay xây dựng du lịch Việt Nam.
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô: “Kết quả du lịch trong năm qua là tín hiệu đáng mừng, qua đó đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của các tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển du lịch”.
Vĩnh Phúc luôn xác định việc liên kết là một trong những chìa khóa quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài trong phát triển du lịch của các địa phương. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hợp tác; cung cấp, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng số; phát triển các tour du lịch mới.
Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; đối thoại với doanh nghiệp lữ hành; đào tạo nguồn nhân lực; kêu gọi đầu tư; nâng cao chất lượng dịch vụ…
Để từ đó các tỉnh có cơ hội nhìn nhận, đánh giá thực trạng du lịch một cách khách quan và kịp thời đưa ra giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, thúc đẩy du lịch 8 tỉnh Đông Bắc ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.