Bóng rổ Hà Nội chú trọng đào tạo cầu thủ trẻ
15/02/2022 | 19:14Không chỉ giành được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Bộ môn bóng rổ Hà Nội còn tự hào có được một dàn cầu thủ trẻ giàu triển vọng, sẵn sàng cho chu kỳ huấn luyện mới. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với phụ trách Bộ môn bóng rổ, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đào Văn Kiên về bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ.
- Chú trọng công tác đào tạo cầu thủ trẻ với tầm nhìn xa được đánh giá là ưu điểm vượt trội của bóng rổ Hà Nội. Ông chia sẻ thế nào về điều này?
- Những năm qua, bóng rổ Hà Nội ngày càng được chú trọng đến công tác xây dựng lực lượng, tạo điều kiện để các tuyến năng khiếu, trẻ; đội tuyển đều có đội tham gia các giải từ lứa U16, U18 đến U23, giải vô địch quốc gia. Nhờ quan tâm công tác đào tạo trẻ với định hướng phát triển lâu dài, mà bóng rổ Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tích. Nổi bật là trong năm 2021, tại Giải vô địch bóng rổ 3x3 U23 quốc gia, đội nữ giành Huy chương vàng, đội nam giành Huy chương đồng. Chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), bóng rổ Hà Nội có đến 8 vận động viên (4 nam, 4 nữ) được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia. Năm 2021, Bộ môn bóng rổ Hà Nội vinh dự được UBND thành phố tặng Bằng khen dành cho tập thể có thành tích xuất sắc.
Những tín hiệu vui ấy cho thấy, việc chú trọng công tác tuyển chọn của Hà Nội là đúng hướng. Đội nữ Hà Nội được xây dựng lực lượng từ hơn 4 năm qua, với nền tảng đào tạo rất cơ bản. Còn đội nam được xây dựng lại sau năm 2018, lực lượng còn rất trẻ, nhưng cũng có nhiều dấu hiệu tốt trong phát triển.
- Vậy, bài học kinh nghiệm trong công tác tuyển chọn và đào tạo của bóng rổ Hà Nội là gì, thưa ông?
- Bài học đầu tiên, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ môn và các câu lạc bộ, các địa phương trong tuyển chọn đầu vào, từ đó, bóng rổ Hà Nội tìm được những gương mặt có chất lượng, tiềm năng phát triển rất tốt. Tôi tin khi được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, dàn cầu thủ này sẽ giúp Hà Nội vững vàng ở tốp đầu giành huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026.
Trong đào tạo, chúng ta phải rất linh hoạt tìm kiếm giải pháp để giúp cầu thủ nâng cao trình độ. Bóng rổ hiện phát triển chủ yếu ở các thành phố lớn, nhiều tỉnh phía Bắc chưa chú trọng cho môn này, vì vậy, Hà Nội hầu như không có cơ hội học hỏi kinh nghiệm. Khắc phục khó khăn này, một mặt, bộ môn cố gắng để đội Hà Nội được tham dự đủ các giải vô địch quốc gia và giải trẻ; mặt khác, phải chủ động liên kết với các câu lạc bộ không chuyên để cầu thủ có thể tham gia thi đấu các giải nhỏ, lẻ nhằm duy trì phong độ…
- Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn mà bóng rổ Hà Nội đang phải vượt qua?
- Khó khăn lớn nhất hiện nay là bóng rổ chưa có nhà tài trợ tầm cỡ, các cầu thủ chưa sống được bằng lương, thưởng như cầu thủ bóng đá, bóng chuyền, nên chưa coi đây là nghề. Nhiều cầu thủ Hà Nội rất tiềm năng, nhưng gia đình không cho theo tập chuyên nghiệp. Thứ hai, bóng rổ Hà Nội hiện không có chuyên gia nước ngoài, nên để vươn tầm đỉnh cao vẫn bị nhiều hạn chế. Thứ ba, cơ sở vật chất của đội còn rất thiếu, hiện phải tập ghép sân với bóng chuyền và đội bóng chuyền phải chia giờ cho đội bóng rổ tập.
- Theo ông, để định hướng phát triển lâu dài, cần có sự đầu tư ra sao cho bóng rổ Hà Nội?
- Chúng ta đang có một lứa cầu thủ rất giàu triển vọng. Nếu có sân tập riêng, có chuyên gia nước ngoài giỏi, bóng rổ Hà Nội đủ khả năng đứng đầu cả giải nam và giải nữ tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Trước mắt, trong năm 2022, tôi mong muốn bóng rổ Hà Nội được tham gia đủ các giải từ U16, U18 cho đến U23, Giải vô địch quốc gia. Còn tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, bóng rổ Hà Nội phấn đấu có Huy chương vàng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Hà Nội mới