Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ VHTTDL tham vấn về rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam

18/06/2020 | 19:34

Thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, ngày 18/6/2020 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức Hội thảo rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội, đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Văn hóa và Thể thao một số địa phương, các đơn vị văn hóa-nghệ thuật quốc gia, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội, các trường đại học cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ sỹ…

Bộ VHTTDL tham vấn về rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu tham gia vào quá trình đánh giá, rà soát chính sách về đảm bảo sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam

Phát biểu Khai mạc tại Hội thảo, bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế nhận định Hội thảo là cơ hội để các đại biểu tham gia vào một quá trình đánh giá, rà soát chính sách một cách dân chủ để đảm bảo sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam, cũng như sự sáng tạo của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường thế giới. Đồng thời Hội thảo mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu cho dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2016-2019 thực hiện Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá, đặc biệt là các sáng kiến của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…

Theo bà Nguyễn Phương Hòa việc xây dựng và đánh giá chính sách không phải là quá trình từ trên xuống mà cần có sự tham gia tích cực của chính các đối tượng thụ hưởng và chịu tác động để chính sách thiết thực và đạt hiệu quả. Đây chính là bài học sâu sắc được rút ra trong quá trình thực thi Công ước UNESCO 2005 tại Việt Nam.

Bộ VHTTDL tham vấn về rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Với tư cách là đối tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhiều năm qua đã thiết lập và duy trì kênh đối thoại hai chiều về chính sách và các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bà Louise Holmsgaard, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và cần phải nhận thức được bản chất cụ thể của hàng hóa và dịch vụ văn hoá. Cùng với đó, cần phải hiểu thấu đáo khía cạnh kinh tế và khía cạnh văn hóa cũng như các sự đa dạng của nghệ thuật. Điều đó đòi hỏi Chính phủ Việt Nam có những chính sách nuôi dưỡng sự sáng tạo và tự do biểu đạt, tạo điều kiện thuận lời cho các nghệ sỹ, các nhà thực hành văn hóa thể hiện các tác phẩm của mình tới công chúng.

Tại Hội thảo, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã phát biểu chúc mừng Việt Nam về thành công nổi bật trong công tác chống dịch Covid-19 và đánh giá cao những nỗ lực của quốc gia nhằm đảm bảo lĩnh vực văn hoá-xã hội được phục hồi. Trước khó khăn của đại dịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vẫn huy động nhóm các chuyên gia, nhà quản lý và thực hành văn hóa tham gia vào quá trình soạn thảo Báo cáo quốc gia của Công ước. Ông khẳng định Báo cáo quốc gia định kỳ thực hiện Công ước là một công cụ quan trọng mà các bên liên quan có thể sử dụng như một phương tiện để phản ánh và tiếp cận các biện pháp khác nhau nhằm đảm bảo sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá, nuôi dưỡng chuỗi giá trị của sản phẩm và dịch vụ văn hoá.

Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn Công ước, đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực thi Công ước những năm gần đây. Văn phòng UNESCO Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổ chức một số các hoạt động nâng cao nhận thức về Công ước, thiết lập mạng lưới các chuyên gia truyền thông, nghệ sỹ, những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo để cùng chia sẻ kiến thức, nâng cao nhận thức và tăng cường thảo luận công chúng.

Bộ VHTTDL tham vấn về rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam - Ảnh 3.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các nhà nghiên cứu của Viện đã giới thiệu tại Hội thảo Mẫu Báo cáo quốc gia trực tuyến mới của Công ước cũng như quá trình nghiên cứu, thu thập số liệu xây dựng dự thảo Báo cáo quốc gia của Tổ Biên soạn. Các thành viên của Tổ Biên soạn đã trình bày từng phần nghiên cứu của mình và ghi nhận những ý kiến đóng góp và phản hồi của các đại biểu tại Hội thảo nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt trước khi đệ trình UNESCO theo quy định của Công ước./.

Ngày 04/7/2007, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 627/2007/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Theo đó, ngày 16/3/2009, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1607/VPCP-QHQT giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối chủ trì việc thực hiện Công ước. Mục tiêu của Công ước là nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia trong việc đưa ra các chính sách văn hóa, công nhận tính hai mặt của hàng hóa và dịch vụ văn hóa, tăng cường sự đoàn kết và hợp tác quốc tế để khuyến khích, nuôi dưỡng sự biểu đạt văn hóa của tất cả các quốc gia.

Kể từ khi tham gia Công ước đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên, trong đó ta đã hoàn thành vai trò Phó chủ tịch Đại hội đồng Công ước, Phó Chủ tịch UBLCP Công ước (nhiệm kỳ 2011-2015); tham gia đầy đủ và có trách nhiệm tại các Kỳ họp của Ủy ban, Kỳ họp Đại hội đồng của Công ước; tích cực tham gia, tổ chức các chương trình, hoạt động kỷ niệm 10 năm sự ra đời của Công ước (2005-2015); đóng góp thường niên cho Quỹ Quốc tế về Đa dạng Văn hóa (IFCD) của Công ước.

Tại Điều 9 của Công ước về Chia sẻ thông tin và sự minh bạch đã nêu rõ "các quốc gia thành viên cung cấp các thông tin phù hợp trong báo cáo định kỳ 04 năm/lần cho UNESCO về các biện pháp thực hiện để bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong lãnh thổ của mình và ở cấp quốc tế". Theo đó, Việt Nam đã hoàn thiện Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2008-2011 và 2012-2015. Thông qua các Báo cáo định kỳ này, các nước có thể tham khảo các biện pháp, chính sách về mặt luật pháp, thể chế, hỗ trợ tài chính, các sáng kiến của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ.v.v.trong việc hỗ trợ sự sáng tạo, đảm bảo quyền của các nghệ sỹ. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Ban thư ký Công ước UNESCO và các chuyên gia quốc tế đưa ra các xu hướng phát triển của văn hóa nghệ thuật trên thế giới, và xây dựng Báo cáo toàn cầu về đa dạng văn hóa.

Mẫu báo cáo trực tuyến mới của Công ước giai đoạn 2016-2019 được thực hiện trên cơ sở Khung giám sát chính sách của Công ước 2005, trong đó tập trung vào 04 mục tiêu của Công ước gắn với các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, bao gồm: (1) hỗ trợ các hệ thống quản lý văn hóa bền vững; (2) đạt được dòng chảy cân bằng cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa, gia tăng sự di chuyển của các nghệ sỹ và các chuyên gia văn hóa; (3) tích hợp văn hóa vào các khuôn khổ phát triển bền vững; (4) thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do căn bản.

Tin: Hà An, ảnh: Minh Khánh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×