Bình Thuận tiêm vaccine cho lao động để chuẩn bị phục hồi ngành du lịch
25/09/2021 | 16:27Hôm nay 25/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Y tế Bình Thuận tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 cho 2.900 lao động trực tiếp trong ngành du lịch.
Những người được tiêm đợt này là nhân viên lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Theo kế hoạch, đợt 1 tổ chức tiêm từ ngày 24-28/9 và dự kiến hoàn thành mũi 2 trước 15/10/2021.
Riêng các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn của các huyện, thị xã, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổng hợp danh sách lao động trực tiếp trong ngành du lịch để chuyển cho các địa phương phân bổ tiêm vaccine cho người lao động.
Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, đây là giải pháp bền vững để kiểm soát dịch bệnh, góp phần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho sự phục hồi du lịch của tỉnh.
Ông Trần Văn Bình cho biết: "Trong đợt này tiêm khoảng 2.900 liều. Trước đó cũng có một số cơ sở lưu trú cũng đã tiêm theo tiêu chuẩn của phường. Cuối tuần này sẽ có thống kê bao nhiêu cán bộ công nhân viên ngành du lịch đã tiêm, 1 mũi hay 2 mũi, để bổ sung trong đợt 2 vào tháng 10 tới".
Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Bình Thuận, đợt dịch lần thứ 4 này đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch tỉnh, có khoảng 80-90% cơ sở lưu trú trên địa bàn tạm ngưng hoạt động. Hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh hầu như ngưng từ tháng 2/2020.
Hiện nay, các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch đang chịu áp lực tài chính từ nhiều phía như: chi phí giữ người lao động; trợ cấp tài chính cho nhân viên phải nghỉ việc; lãi suất ngân hàng; chi phí thuế đất và đặc biệt là các khoản phí thường niên theo quy định hiện hành của Nhà nước như bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn".
Trước khó khăn trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương cũng như Hiệp hội du lịch đề xuất giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; giãn, hoãn nộp các khoản phí thường niên theo quy định hiện hành của Nhà nước như bảo hiểm xã hội, Y tế, Công đoàn. Đồng thời, thực hiện việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhân viên ngành du lịch… theo Nghị quyết 68 ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đến nay, nhiều lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Phan Thiết đã thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Bà Đặng Thị Loan - Giám đốc Nhà hàng Cây Bàng ở phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết cho biết: "Trong mùa dịch này, đơn vị của chúng tôi có sự hỗ trợ cho người lao động. Số lao động đã đóng bảo hiểm nhận được hơn 3,6 triệu đồng/người. Nhân viên của tôi đã nhận khoản tiền đó".
Được biết, ngành du lịch Bình Thuận dự kiến mở cửa trở lại vào cuối tháng 10. Trước mắt sẽ thí điểm tại các cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao hoặc tương đương; dịch vụ lữ hành, điểm tham quan đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh công nhận./.