Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Thuận: Tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch

02/02/2021 | 17:07

Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, song mục đích của phát triển du lịch không chỉ vì lợi nhuận kinh tế, điều quan trọng và căn bản hơn là du lịch cần trực tiếp góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh đối với du khách trong và ngoài nước. Du lịch càng phát triển càng có những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Một trong những vấn đề về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh cũng rất được quan tâm đó là vấn đề về nguồn nhân lực trong du lịch.

Bình Thuận: Tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch - Ảnh 1.

Sinh viên Khoa Du lịch Trường Đại học Phan Thiết đi thực tế.

Thực trạng

Du lịch muốn phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với chất lượng cao, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. Chính vì thế trong 5 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được các sở ngành, đơn vị, các cơ sở đào tạo tích cực triển khai, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu về trình độ, tay nghề cho các doanh nghiệp du lịch bằng nhiều hình thức.

Trong giai đoạn từ 2015 – 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã tổ chức được 42 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch với số lượng 3.214 học viên. Hiệp hội Du lịch phối hợp với các đơn vị tổ chức 58 lớp bồi dưỡng với 2.641 học viên. Ngoài ra, cùng ký kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng với TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng kết nối 12 cơ sở du lịch để ký hợp tác đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, tham quan, khảo sát và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Việc này đã đánh dấu sự phát triển trong mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần nâng tổng số lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm gần 70% tổng số lao động ngành du lịch của tỉnh.

Các cơ sở đào tạo trong tỉnh cũng đã chủ động tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ với số lượng khá lớn, cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh sát với tình hình thực tế đã đáp ứng nhu cầu về lao động có trình độ, tay nghề của các doanh nghiệp du lịch. Số người được đào tạo có việc làm trên 80% tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Như vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đào tạo 947 học viên đại học, cao đẳng; 1.993 học viên trung cấp chuyên ngành du lịch. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch, dạy nghề cho lao động nông thôn các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch là 1.240 người.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong chương trình hành động triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) của UBND tỉnh đã nêu: "Tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2026". Để thực hiện được mục tiêu đó đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục xây dựng đề án về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh giai đoạn tiếp theo nhằm quán triệt nhận thức của các cấp, các ngành về sự cần thiết khách quan của công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển du lịch bền vững của tỉnh.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền quan tâm hơn nữa trong công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động tại các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa chưa qua đào tạo. Đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề du lịch cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phù hợp tham gia giảng dạy các ngành nghề phục vụ phát triển du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo loại hình xã hội hóa hoặc tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp du lịch nhằm trực tiếp đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh...  

Theo baobinhthuan.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×