Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Thuận: Tạo lập thói quen chủ động và tình yêu của trẻ dành cho sách

09/09/2021 | 10:10

Dù số lượng sách xuất bản đang ngày càng nhiều hơn nhưng việc phát triển văn hóa đọc chưa hẳn đã tương xứng. Để đẩy mạnh và phát triển văn hóa đọc bền vững, Thư viện tỉnh Bình Thuận đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh truyền thông, tạo dựng thói quen cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường…

Bình Thuận: Tạo lập thói quen chủ động và tình yêu của trẻ dành cho sách - Ảnh 1.

Những chuyến xe thư viện lưu động luôn tạo sự thích thú cho học sinh.

Chia sẻ tình yêu với sách

Với nhiều bạn đọc yêu sách, hai cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" và "Kể chuyện theo sách", do ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát động đã trở thành sân chơi quen thuộc trong mấy năm trở lại đây. Ở đó, các em được tha hồ vẫy vùng giữa những dòng cảm xúc, bày tỏ, kể cả yêu và ghét về một nhân vật, để từ đó lắng lại cho mình những bài học về cuộc sống, về tình người, để hoàn thiện nhân cách bản thân.

Đặc biệt, dịch Covid -19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đúng thời điểm nghỉ hè khiến không gian giao tiếp, hoạt động vui chơi giải trí dành cho học sinh phải tạm dừng. Đây được xem là "cơ hội vàng" để dẫn dắt các em tiếp cận với sách nhiều hơn. Vì thế, Thư viện tỉnh Bình Thuận đã có cách thu hút bằng việc mở ra cuộc thi "Kể chuyện theo sách", thông qua hình thức dự thi quay video clip và gửi về ban tổ chức. Em Lê Chí Anh – học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phú Thủy 1 (TP. Phan Thiết) chia sẻ: Với em sách vừa là bạn, vừa là thầy. Nên khi cuộc thi mở ra, em đã hào hứng nhờ mẹ dựng ngay 2 video clip chia sẻ về cuốn "Võ Thị Sáu- người anh hùng đất đỏ" và cuốn "Kể chuyện Bác Hồ". Thật khác hẳn khi kể có khán giả ngồi phía dưới. Việc xây dựng clip là một trải nghiệm thú vị, giúp em rèn luyện khả năng dẫn chuyện, thể hiện cảm xúc và biểu cảm khuôn mặt. Bởi những góc quay tại nhà khá hẹp, nên cách kể, biểu cảm sẽ khiến người xem chú ý hơn.

Theo thông tin trên trang Fanpage Thư viện Bình Thuận, không chỉ học sinh khối tiểu học, trung học cơ sở tham gia cuộc thi, mà còn có những em bé mới 5 tuổi. Điều này cho thấy, phong trào đọc sách trong thiếu nhi đang có chiều hướng lan rộng, phát triển. Các câu chuyện được kể cũng rất phong phú, hữu ích với những tác phẩm nói về lịch sử cách mạng, anh hùng dân tộc, truyện cổ tích, tấm gương vượt khó, tình thầy trò, tình cảm gia đình và các mối quan hệ xã hội… 

Xây dựng các kênh tiếp cận sách

Muốn con trẻ thay đổi, trước tiên người lớn phải thay đổi. Muốn tạo lập thói quen chủ động và tình yêu trẻ dành cho sách, cha mẹ, thầy cô phải là người có tình yêu dành cho sách và phải thường xuyên đọc sách. Bởi vậy để bổ sung nguồn cho các đơn vị và ươm mầm tình yêu sách, hàng năm Thư viện tỉnh đều phối hợp tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc, triển lãm sách, báo giới thiệu sách mới theo các chủ đề. Thực hiện những chuyến xe thư viện lưu động, luân chuyển sách về địa phương, vào trại giam và bổ sung vốn tài liệu phù hợp đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Ông Trần Văn Bé – Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các nội dung giới thiệu sách mới, sách có nhiều người đọc, sách của các nhà văn nổi tiếng trong nước và thế giới, chương trình tóm tắt nội dung sách... đang được đơn vị đẩy lên các kênh, giúp độc giả tìm kiếm dễ dàng hơn.

Không đơn độc trong công tác tuyên truyền, đáng mừng là việc thúc đẩy văn hóa đọc đang được các cấp, ngành quan tâm, phối hợp thực hiện. Như mới đây, Tỉnh đoàn Bình Thuận vừa có sự "tiếp sức" với chương trình "Nghìn cuốn sách - Triệu ước mơ". Ngoài những bộ sách giáo khoa mới cho các em thiếu nhi khối tiểu học, còn có thêm 10 "Tủ sách Kim Đồng - Chắp cánh ước mơ" với hơn 6.000 cuốn các loại cho các liên đội khó khăn trong tỉnh. Tủ sách sẽ góp phần giúp học sinh tiếp cận thêm nhiều kiến thức mới, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, trao dồi kiến thức, thúc đẩy và khuyến khích tinh thần hiếu học, nâng cao đời sống văn hóa cho các em...

Những hành động, sự chung tay ấy cần được lan tỏa nhiều hơn nữa để tiếp tục vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân duy trì thói quen đọc phù hợp, hỗ trợ xây dựng các thư viện công cộng. Hướng đến hoàn thành mục tiêu đề ra theo "Kế hoạch tiếp tục phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tỉnh Bình Thuận giai đoạn năm 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" của UBND tỉnh.

Đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu có 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục - đào tạo, văn hóa, khoa học và thông qua truy cập sử dụng tài liệu số của chương trình chuyển đổi số ngành thư viện… Và đến năm 2030, trung bình mỗi người dân đọc 5 cuốn sách/năm. Môi trường đọc tiếp tục được mở rộng với nhiều loại hình từ tỉnh đến cơ sở.

Theo Báo Bình Thuận

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×