Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Thuận: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

22/12/2018 | 19:27

Sáng 21/12, tại thành phố Phan Thiết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Bình Thuận phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận".

Đến dự có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VCCI Bình Thuận, cộng đồng doanh nghiệp du lịch.

Bình Thuận: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Bên cạnh thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch theo Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 23/10/2016 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm 2020, Hội thảo còn hướng đến mục đích nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về xu thế phát triển trong thời kỳ mới, tầm nhìn dài hạn, mô hình kinh doanh bền vững, sản phẩm có sức sáng tạo cao để thuyết phục các nhà đầu tư và thu hút du khách. Đồng thời, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về chính sách phát triển du lịch để phục vụ công tác quản lý, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc, cho biết: "Với vị thế là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước, du lịch Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 phải chuyển dịch để chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh, thu hút khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 850.000 lượt. Trong tương lại gần, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia và Mũi Né - Phan Thiết là khu du lịch cấp quốc gia. Và để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sẽ cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đầu tư các dự án mang tính đặc trưng, tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch".

Bình Thuận là giao điểm của ba vùng kinh tế Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Qua 23 năm phát triển, ngành du lịch đã có những bước phát triển bền vững, không những trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Dù phát triển muộn hơn so với các trung tâm du lịch khác, song Mũi Né - Phan Thiết với lợi thế đi sau đã giúp ngành du lịch có những kinh nghiệm "vàng" trong thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định là một trung tâm du lịch quốc gia.

Theo ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Bình Thuận có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, trong đó có thế mạnh về điều kiện khí hậu, biển, cảnh quan và nhất là địa danh Mũi Né nổi tiếng trong và ngoài nước. Như vậy, để ngành du lịch phát triển mạnh cần phải có hạ tầng giao thông đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút những nhà đầu tư có tiềm năng, tăng cường quảng bá du lịch và liên kết có hiệu quả trong phát triển du lịch vùng.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ thì hiến kế giải pháp: "Để du lịch Bình Thuận phát triển cần tập trung vào một số vấn đề như: bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách, tạo ra sản phẩm du lịch mới, phát triển ẩm thực đặc trưng, dùng các mạng xã hội để quảng bá, khuyến khích và vận động các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch quốc tế, có lý luận, kỹ năng và ngoại ngữ".

Tại buổi hội thảo, các đại biểu, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp còn tham gia tọa đàm, đề xuất, kiến nghị và giải đáp một số giải pháp thiết thực, phù hợp với xu thế mới cũng như tiềm năng và lợi thế của ngành du lịch để duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Nguyên Vũ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×