Bình Thuận: Kiểm kê, sưu tầm, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số
31/10/2017 | 10:24UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, công tác khảo sát, sưu tầm hiện vật, kiểm kê di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; trưng bày, tuyên truyền về di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về kinh phí nên quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều rào cản, các công việc thực hiện thiếu đồng bộ, mang tính nhỏ lẻ và chưa khoa học…dẫn đến tình trạng nhiều di tích, di sản văn hóa phi vật thể điển hình của các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, biến thể và mất dần theo thời gian…
Ảnh minh họa (Nguồn: binhthuancpv.org.vn)
Trước thực trạng đó, việc ban hành Kế hoạch kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Qua đó nhằm nhận diện di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận để phục vụ cho việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tránh nguy cơ bị mai một, biến thể; bổ sung hiện vật, cổ vật quý hiến cho bảo tàng phục vụ việc trưng bày, tuyên truyền; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức của toàn xã hội, ...
Trong năm 2018, tỉnh sẽ thực hiện việc sưu tầm, trao đổi 02 và mua sưu tập đàn đá cổ phục vụ nghiên cứu, trưng bày tại bảo tàng; sưu tầm, trao đổi và mua sưu tập hiện vật, cổ vật ché rượu của người Cờho Bình Thuận; sưu tầm, trao đổi và mua sưu tập cổ vật (các loại nhạc cụ truyền thống) phục vụ trong sinh hoạt, lễ nghi, lễ hội… của người Raglai phục vụ trưng bày tại Bảo tàng.
Năm 2019, tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể điển hình của các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận phục vụ cho việc Xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trong tỉnh; sưu tầm, trao đổi sưu tập ché rượu cổ của người Raglai tỉnh Bình Thuận; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và trao đổi sưu tập cổ vật của người Chăm để phục vụ cho việc nghiên cứu và trưng bày bảo tàng.
Năm 2020, tổ chức sưu tầm, trao đổi cổ vật (các loại nhạc cụ truyền thống) phục vụ trong sinh hoạt, lễ nghi, lễ hội… của người Cờ Ho phục vụ trưng bày tại Bảo tàng; Nâng cấp trưng bày di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tại Bảo tàng tỉnh phục vụ cho việc giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền đến công chúng.
Việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số phải được triển khai đồng bộ, khoa học và mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến với công chúng và du khách./.
Hằng Đinh