Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Thuận kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể

26/06/2020 | 15:33

Kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT); Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ đổi mới hoạt động, phát triển văn hóa đọc bền vững; Đề xuất phương án kiến trúc Cổng chào Khu du lịch quốc gia Mũi Né là những điểm tin văn hóa, du lịch nổi bật tại Bình Thuận.

Bình Thuận kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 1.

Cảnh nghinh thần Nam Hải trong lễ hội Lễ hội Cầu ngư. (Nguồn: tourphanthiet.vn)

Kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê DSVHPVT và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia

Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL và Công văn số 532/BVHTTDL-DSVH ngày  02/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng kế hoạch kiểm kê di sản văn  hóa phi vật thể trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ngày 11/3/2011, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Văn bản số 1017/UBNDVX chỉ đạo Sở VHTTDL triển khai công tác kiểm kê DSVHPVT trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, ngành VHTTDL Bình Thuận đã triển khai thực hiện Dự án "Kiểm kê DSVHPVT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận" trong năm 2011 – 2012. Thông qua dự án, bước đầu chọn lựa những DSVHPVT có giá trị tiêu biểu đưa vào kế hoạch xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia. Đồng thời, từ năm 2013 đến nay, hàng năm Sở VHTTDL đều xây dựng kế hoạch kiểm kê bổ sung DSVHPVT tại các địa phương để kịp thời cập nhật vào Danh mục DSVHPVT của tỉnh. Tính đến thời điểm cuối năm 2019, tỉnh Bình Thuận đã kiểm kê, đưa vào Danh mục DSVHPVT của địa phương với tổng số 1.326 DSVHPVT.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTTDL triển khai xây dựng hồ sơ khoa học "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận" và "Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, thành  phố  Phan  Thiết,  tỉnh  Bình  Thuận" trình Bộ  Văn hóa, Thể  thao và Du lịch thẩm định, đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.

Ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Bộ VHTTDL có Quyết định số  5079/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận 33 DSVHPVT quốc gia, trong đó có Nghề làm gốm của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành Quyết định số 4614/QĐ-BVHTTDL về việc công bố đưa Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.

Để bảo tồn, phát huy giá trị 02 DSVHPVT quốc gia của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển Làng gốm Chăm truyền thống Bình Đức, xã Phan Hiệp huyện Bắc Bình" và Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, thành phố Phan Thiết" phục vụ phát triển du lịch. Hiện nay, Sở VHTTDL đang triển khai xây dựng 02 Đề án trên và dự kiến trình cấp thẩm quyền phê duyệt vào cuối năm 2021.

Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ đổi mới hoạt động, phát triển văn hóa đọc bền vững

Vừa qua, tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã diễn ra Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2018 – 2020 và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2022 Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ (ĐNB – CNTB).

Báo cáo tổng kết, đánh giá hoạt động của Liên hiệp trong nhiệm kỳ 2018-2020 tại hội nghị nêu rõ, trong những năm qua các thư viện thành viên đã chủ động, tích cực tăng cường kết nối, mở rộng hoạt động, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm kỳ 2018 - 2020 đề ra. Cụ thể, đã tổ chức thành công Hội nghị số hóa Tài liệu tại thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan thiếu nhi kể chuyện theo sách Hè năm 2019 tại thành phố Vũng Tàu, hoàn thiện Website liên hiệp, biên soạn và phát hành tập san Liên hiệp. Đồng thời, các Thư viện thành viên trong Liên hiệp có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn năng động, sáng tạo, phát huy được khả năng cũng như năng lực của từng đơn vị, phục vụ tốt nhu cầu thông tin, học tập, giải trí của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Bình Thuận kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: thuvienbinhphuoc.org.vn)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thư viện tại các tỉnh ĐNB – CNTB cũng còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, như: Ngân sách các địa phương đầu tư cho bổ sung tài liệu chưa cao; công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Liên hiệp chưa đồng bộ, thống nhất gây khó khăn trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu; Sự phối hợp hoạt động, trao đổi nghiệp vụ, khai thác nguồn lực thông tin chưa thực hiện thường xuyên...

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế, Hội nghị đã thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới 2020-2022 với các nội dung: Xây dựng nhiều hoạt động chung của Liên hiệp thư viện, tăng cường chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện trong Liên hiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đọc và học tập suốt đời cho nhân dân; Tiếp tục phát huy mô hình phục vụ mới mang tính hiệu quả cao; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thư viện…

Tại hội nghị, 18 thủ thư giỏi có thành tích xuất sắc trong hoạt động thư viện khu vực ĐNB – CNTB nhiệm kỳ 2018 – 2020 đã được tuyên dương khen thưởng. Đồng thời, hội nghị cũng tổ chức bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Liên hiệp Thư viện khu vực ĐNB – CNTB nhiệm kỳ 2020 - 2022 cho Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Phước.

Đề xuất phương án kiến trúc Cổng chào Khu du lịch quốc gia Mũi Né

Ngày 24/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hoà đã chủ trì cuộc họp nghe Sở VHTTDL báo cáo phương án kiến trúc Cổng chào Khu du lịch quốc gia Mũi Né – Thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận cho biết.

Bình Thuận kết quả ghi nhận trong công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 3.

Khu du lịch quốc gia Mũi Né. (Nguồn: cafef.vn)

Cụ thể, Sở VHTTDL đã liên hệ đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất 04 phương án kiến trúc Cổng chào Khu du lịch quốc gia Mũi Né tại vị trí đường Nguyễn Thông (cách vòng xoay Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thông khoảng 100m). Các phương án đều mang điểm đặc trưng của địa phương: Biểu tượng cung đường rợp bóng dừa, biểu tượng Cánh thuyền buồm; biểu tượng con sò biển; biểu tượng tháp Chăm cổ xưa…

Sau khi nghe Sở VHTTDL báo cáo, cùng sự tham gia góp ý của các đại biểu tham dự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Đức Hoà nhấn mạnh: Cổng chào Khu du lịch quốc gia Mũi Né là công trình quan trọng, được đặt tại vị trí cửa ngõ dẫn vào Khu du lịch Quốc gia Mũi Né, có ý nghĩa và tính chất biểu tượng văn hóa, vì vậy, phải tạo được ấn tượng thu hút đối với người dân và du khách khi đến khu vực. Tuy nhiên, hiện 04 phương án đề xuất vẫn chưa tạo được ý tưởng độc đáo và mang nét đặc trưng cần có để góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh Khu du lịch Quốc gia Mũi Né. Để tìm ra phương án mang tính chất độc đáo và ấn tượng nhất cho điểm đến biểu trưng của thành phố Phan Thiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất tổ chức liên kết đặt hàng các đơn vị có uy tín trong lĩnh vực này để tư vấn thiết kế kiến trúc Cổng chào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VHTTDL sớm triển khai thực hiện công việc, sau khi có kết quả, báo cáo UBND để tiếp tục trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Anh Vũ (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×