Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Thuận: Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm

28/08/2021 | 18:41

Bình Thuận là địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống, nhiều nhất là ở huyện Bắc Bình. Do nhiều yếu tố tác động nên các nghề thủ công truyền thống của người Chăm dần bị mai một, mất đi theo thời gian. Riêng nghề gốm truyền thống của người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình có lịch sử hình thành, phát triển và tồn tại từ lâu đời vẫn được duy trì đến ngày nay.

Bình Thuận: Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm - Ảnh 1.

Nghệ nhân làm gốm Chăm hiện còn rất ít. (Ảnh tư liệu).

Làng Chăm Bình Đức, ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình tồn tại từ rất lâu đời. Nơi đây như một bảo tàng lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm mà độc đáo nhất là nghề làm gốm thủ công. Mặc dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy. Các khâu trong quy trình làm gốm của người Chăm Bình Đức đến nay còn bảo lưu khá nguyên vẹn kỹ thuật, phương thức theo lối thủ công truyền thống. 

Những năm gần đây, trước tác động của cơ chế kinh tế thị trường, cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ nên nghề gốm ở Bình Đức đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách cả về nguyên liệu làm gốm đến việc tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm đồ gốm làm ra chủ yếu là đồ gia dụng như trã, nồi, ấm, hỏa lò, khuôn bánh xèo, chum lớn, chậu… Số gia đình và nghệ nhân đang duy trì nghề gốm ngày càng suy giảm dần so với trước và có nguy cơ mai một. Theo thống kê, hiện nay tại thôn Bình Đức chỉ còn 40 hộ với 44 nghệ nhân thường xuyên duy trì nghề gốm.

Nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Chăm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. 

Ngoài mục tiêu bảo tồn phương thức, kỹ thuật, nguyên liệu làm gốm truyền thống và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đề án còn hướng tới việc xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức; phấn đấu đến năm 2030, số hộ duy trì nghề gốm tăng từ gần 11% lên hơn 15%, số nghệ nhân duy trì nghề gốm tăng từ gần 12% lên hơn 16%. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp quan trọng như: quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu và bãi nung gốm truyền thống gắn với xây dựng lò nung gốm mỹ nghệ; thực hiện chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề; mở các lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng, bí quyết thực hành nghề gốm cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Chăm địa phương… 

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, góp phần đưa sản phẩm gốm thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị tăng cao. Cùng với đó, tỉnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, khai thác để bảo tồn và phát triển nghề gốm; huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo tồn và phát triển nghề gốm. 

Đề án "Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình" ra đời là cần thiết. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý và nguồn lực để các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Chăm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.                     

Theo Báo Bình Thuận

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×