Bình Ðịnh: Ðưa nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch
14/01/2024 | 08:00Nhờ chú trọng bảo tồn gắn với quảng bá di sản nghệ thuật tuồng, bài chòi đến với công chúng, gần đây Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Ðịnh đã bắt đầu đón được nhiều đoàn học sinh, du khách đến tham quan tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu Bình Ðịnh.
Cùng với việc xây dựng đa dạng, phong phú kịch mục biểu diễn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của công chúng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh còn chú trọng dàn dựng các tiết mục nghệ thuật tổng hợp để Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định và Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát) có thể biểu diễn phục vụ người dân, du khách vào tối thứ Bảy hằng tuần tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), góp phần quảng bá di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu tích cực tham gia phục vụ kinh tế du lịch.
NSƯT Dương Nữ Thùy Dung, Phó trưởng Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, chia sẻ: “Đoàn ca kịch bài chòi cùng với Đoàn tuồng Đào Tấn luân phiên biểu diễn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành phục vụ công chúng; ngoài ra gần đây nghệ sĩ của hai đoàn còn được mời tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo, chương trình xúc tiến du lịch, tour du lịch. Những tiết mục biểu diễn trình tường, dân ca, bài chòi, múa Chăm, hò đối đáp… góp phần quảng bá đến du khách nghệ thuật tuồng, bài chòi của Bình Định”.
Hai năm gần đây, Nhà hát cũng là địa chỉ được nhiều trường học, khách du lịch chọn đến tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa của Bình Định. Dẫn các cháu mầm non đến Nhà hát tham quan, cô Nguyễn Thị Yến Tình, giáo viên Trường mầm non Thế giới tuổi thơ (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), cho biết: “Trường có nhiều chương trình ngoại khóa cho các cháu tìm hiểu về quê hương Bình Định thông qua hoạt động tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử, văn hóa. Đầu năm nay, trường đưa các cháu đến tham quan Nhà hát để các cháu biết ở quê hương mình có nghệ thuật truyền thống hát bội, bài chòi, tiếp thêm tình yêu di sản văn hóa cho các cháu”.
Trong năm 2023, Nhà hát đã tạo mã QR tại phòng trưng bày hiện vật nghệ thuật tuồng, bài chòi; xây dựng chương trình nghệ thuật truyền thống và giới thiệu qua các tập gấp để các đoàn khách du lịch, trường học lựa chọn khi đến tham quan Nhà hát.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: “Ngoài việc chuẩn bị kịch mục biểu diễn, số hóa thông tin hiện vật trưng bày, chúng tôi còn lên kế hoạch phục vụ du khách, học sinh đến Nhà hát tham quan, trải nghiệm vẽ mặt nạ tuồng, tìm hiểu trang phục, đạo cụ, âm nhạc tuồng, bài chòi, mặc trang phục tuồng chụp ảnh lưu niệm. Đơn vị cũng tính toán đến việc làm các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách, như móc khóa, mặt nạ tuồng, dựng chòi biểu diễn hội đánh bài chòi dân gian…”.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng đã ký kế hoạch phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch Bình Định (Sở Du lịch) trong thực hiện hoạt động du lịch gắn với quảng bá nghệ thuật sân khấu truyền thống Bình Định.
Ông Đặng Thành Hưng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Bình Định, cho biết: “Trên cơ sở kế hoạch phối hợp, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thông tin quảng bá, kết nối với các cơ quan, tổ chức, DN du lịch trong và ngoài tỉnh đưa khách đến Bình Định trải nghiệm các tour du lịch tìm hiểu tuồng, bài chòi, tìm hiểu di sản văn hóa của Bình Định. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu Sở Du lịch triển khai lồng ghép các chương trình biểu diễn tuồng, bài chòi, võ cổ truyền vào các sự kiện, lễ hội du lịch, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025”.