Bình Dương: Để di tích nhà cổ thêm phần hấp dẫn
29/03/2024 | 09:20Trên địa bàn tỉnh có nhiều ngôi nhà cổ, trong đó có 5 nhà cổ đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa (LSVH) cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những giá trị đặc sắc về mặt lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa và nếp sống của người Bình Dương được lưu giữ trong những không gian của di tích luôn mang đến cho mọi người nhiều điều thú vị khi đến đây tham quan, tìm hiểu.
Trải nghiệm thú vị
Tìm về những giá trị truyền thống, những công trình kiến trúc cổ, những nét văn hóa xưa là những giá trị được nhiều người dân lựa chọn, trải nghiệm trong mùa Tết Nguyên đán, du xuân năm nay. Các gia đình, nhóm bạn bè… xúng xính trong những bộ trang phục áo dài kiểu xưa là hình ảnh mà chúng ta rất dễ bắt gặp khi đến với những công trình cổ kính ở khu vực chợ Thủ (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) trong mùa xuân năm nay. Cũng nhờ đó, những địa điểm như chợ Thủ, Nhà truyền thống Thủ Dầu Một, các di tích nhà cổ gần đó như nhà cổ Trần Công Vàng (tọa lạc tại số 21 đường Ngô Tùng Châu) hay nhà cổ Trần Văn Hổ (tọa lạc tại số 15 đường Bạch Đằng)… đã được quảng bá, giới thiệu. Các di tích nhà cổ thu hút khách tham quan không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài cổ kính, mang đến cho người ta cảm giác nhẹ nhàng hơn giữa cuộc sống vội vã, mà còn chứa đựng bên trong nhiều điều cần tìm hiểu, khám phá.
Là con gái của ông Trần Công Vàng, chị Trần Thị Ánh Tuyết cũng là người đang tiếp quản, gìn giữ di tích nhà cổ Trần Công Vàng hiện nay. Chị Tuyết cho biết chị là đời thứ 5 tiếp quản, giữ gìn ngôi nhà 135 năm tuổi này. Qua thông tin chia sẻ của gia chủ, điều đặc biệt của ngôi nhà cổ này chính là có khoảng trên 90% hạng mục được làm bằng các loại gỗ quý. Nhìn bên ngoài ngôi nhà không có gì đặc biệt, nhưng bước vào bên trong là một không gian hết sức đẹp mắt, đầy tính mỹ thuật. Từ hệ thống cột, kèo, bao lam của ngôi nhà, đến các vật dụng nội thất, các hoa văn trang trí chạm trổ, sơn thếp, cẩn xà cừ… không chỉ nói lên cuộc sống khá giả, tính thẩm mỹ của gia chủ đời trước, sự sáng tạo khéo léo của người thợ gỗ ngày xưa mà còn là sự trân quý và gìn giữ qua các thế hệ.
Trải qua thời gian hơn 130 năm, song đến nay nhà cổ Trần Công Vàng vẫn còn giữ được nguyên trạng những kiến trúc ban đầu. Đó cũng là điều hấp dẫn khách đến tham quan tìm hiểu. Nhiều người có dịp đến đây đều cho rằng đây là một di tích đặc sắc, đem đến cho họ những trải nghiệm tuyệt vời với nhiều thông tin, kiến thức bổ ích. Trước sức cuốn hút của di tích nhà cổ này, anh Phan Thanh Trí cũng “lặn lội” từ xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên đến đây trải nghiệm. Sau khi được chị Trần Thị Ánh Tuyết dẫn tham quan một vòng, giới thiệu cặn kẽ những kiến trúc, giá trị bên trong ngôi nhà, anh Trí chia sẻ bản thân anh rất thích vì không ngờ giữa lòng thành phố sôi động lại có những ngôi nhà cổ kính, có không gian đẹp như vậy. “Cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, tôi cũng thích đi du lịch ở những khu du lịch, đi biển, đi phượt... Tuy nhiên, nơi đây đã cho tôi một trải nghiệm mới, giúp tôi hiểu hơn một phần cuộc sống ngày xưa qua những hiện vật, những tranh ảnh còn lưu giữ bên trong ngôi nhà cổ này”.
Cần được phát huy
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đề án phát triển du lịch Bình Dương, những ngôi nhà cổ này là một trong những di tích được quan tâm phát huy giá trị. Thời gian qua, ngành đã quan tâm giới thiệu, quảng bá và đã có nhiều tour, tuyến du lịch đưa khách đến các nhà cổ trên địa bàn tỉnh tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, số lượng du khách đến tham quan nhà cổ so với tổng di tích trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là các dịch vụ phục vụ tại những di tích nhà cổ chưa có, chưa được khai thác để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đây cũng là vấn đề cần có sự thay đổi, quan tâm hơn trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê, hàng năm, mỗi di tích nhà cổ đón khoảng 1.000 du khách đến tham quan. Điều này chứng tỏ những giá trị vật chất, tinh thần bên trong những ngôi nhà cổ vẫn luôn thu hút sự quan tâm, đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu, du lịch của nhiều người. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đạt đến con số mà ngành du lịch Bình Dương kỳ vọng. Do đó, để phát huy giá trị di tích nhà cổ gắn với du lịch, ngành du lịch tỉnh cũng đang tính đến việc cung cấp thêm những tiện ích, gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan tại các di tích nhà cổ để đưa hoạt động du lịch nhà cổ và các lĩnh vực du lịch khác ở Bình Dương trở nên nổi bật hơn, đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, một trong những điểm đến được các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành chọn giới thiệu với khách tham quan khi đến Bình Dương đó chính là những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên trăm năm. Việc những di tích nhà cổ được đưa vào khai thác du lịch đã phần nào phát huy giá trị của các di tích, tạo thêm sự phong phú cho chuyến tham quan của du khách trên đất Bình Dương. Nếu có thêm các dịch vụ phục vụ du khách, chắc rằng số lượng khách đến tham quan, trải nhiệm tại những di tích nhà cổ sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới.
“Bên cạnh giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của nhà cổ, trong thời gian tới, ngành sẽ quan tâm tạo ra những sản phẩm du lịch gắn với di tích nhà cổ. Ví dụ như chúng ta có thể phục vụ thêm món ăn địa phương, khai thác dịch vụ trải nghiệm về ăn - ở tại nhà cổ hay đưa thêm trang phục xưa vào phục vụ khi khách có nhu cầu… để khách đến đây tham quan có thể trải nghiệm trực tiếp”.
(Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)