Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Dương: đẩy mạnh XHH TDTT góp phần phát triển kinh tế thể thao

24/10/2024 | 14:55

Trong những năm qua, Thể thao Bình Dương đã không ngừng khẳng định vị thế của mình khi luôn nằm trong Top 10 đơn vị dẫn đầu cả nưóc. Kết quả đó có được là nhờ đẩy mạnh công tác XHH TDTT. Hệ thống cơ sở vật chất về TDTT được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, nhiều loại hình cung ứng dịch vụ TDTT được hình thành và hoạt động hiệu quả… đã góp phần đưa kinh tế thể thao của Bình Dương có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Những kết quả đã đạt được trong công tác XHH TDTT

Theo chia sẻ của ông Cao Văn Chóng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương: Công tác XHH đã được đưa vào các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Hiện, Bình Dương đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác XHH TDTT, đặc biệt là XHH trong đầu tư các thiết chế văn hóa và thể thao trên địa bàn tỉnh. 

Nhiều cơ sở vật chất thể thao được xây dựng từ sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, điển hình như Trung tâm TDTT Cộng đồng thành phố mới Bình Dương với 10 sân quần vợt, 02 hồ bơi đạt tiêu chuẩn, 01 nhà tập cầu lông, 03 sân bóng đá mini, sân bóng rổ, sân bóng chuyền,... Trung tâm TDTT khu công nghiệp Mỹ Phước I với 6 sân bóng đá 11 người, 4 sân quần vợt và khu thể thao tại Khu công nghiệp VSIP I với 01 sân bóng đá 11 người, 02 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, sân quần vợt. Công trình Trung tâm Văn hóa Thể thao công nhân lao động Bình Dương tại Khu dân cư Việt – Sing (thành phố Thuận An), được xây dựng trên khu đất rộng 2,3 ha có các hạng mục như: Trung tâm tổ chức hội nghị; nhà thi đấu đa năng; quảng trường phục vụ sự kiện ngoài trời,... Trường đua Đại Nam với tổng diện tích 60ha là trường đua phức hợp có quy mô lớn nhất Việt Nam, với 5 loại hình đua: đua ngựa, đua chó, đua xe mô tô, đua xe go-kart, biểu diễn jetski và flyboard….

Không chỉ chú trọng phát triển XHH trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, Bình Dương còn khuyến khích thành lập các tổ chức Hội, Liên đoàn thể thao cấp tỉnh và nhiều Hội, CLB thể thao cấp cơ sở. Đây là các tổ chức ngoài nhà nước, tự nguyện, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, tập hợp kết nạp hội viên là người cùng sở thích,... có điều lệ, quy chế được thành lập, hoạt động một cách thường xuyên. Các tổ chức này đã và đang đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác XHH thể thao tại Bình Dương.

Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã có chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hoá TDTT như: quan tâm quy hoạch đất đai; tạo điều kiện thành lập các CLB TDTT khuyến khích và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng sân thể thao và các hoạt động TDTT phục vụ cộng đồng,... Nhờ vậy, công tác XHH TDTT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hàng năm, ngành VHTTDL Bình Dương đã phối hợp tổ chức nhiều giải thể thao phong trào quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia, đồng thời đã sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn lực XHH trong việc triển khai, tổ chức các hoạt động thể thao nổi bật.

Công tác XHH đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng năm, Ngành đã cùng với các đơn vị, doanh nghiệp, các Hội, Liên đoàn thể thao tổ chức thành công và duy trì nhiều giải thể thao quy mô lớn bằng nguồn kinh phí XHH, điển hình như: Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương Cúp Biwase; Giải Billiards Carom 3 băng quốc tế; giải Việt dã truyền thống chào năm mới, đã được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức hàng năm; các giải Quần vợt quốc tế các lứa tuổi ITF Men Future,...

Đặc biệt là công tác đầu tư cho các đội tuyển thể thao thành tích cao tiếp tục được các doanh nghiệp quan tâm, hoạt động khá ổn định và hiệu quả như: Công ty cổ phần CLB bóng đá Becamex Bình Dương đầu tư đội tuyển bóng đá Becamex Bình Dương theo hướng chuyên nghiệp (hiện đang là một trong những đội bóng đá mạnh của quốc gia; đồng thời hiện đang triển khai đào tạo, huấn luyện các tuyến bóng đá năng khiếu, trẻ để bổ sung cho đội tuyển (gồm tuyến U13, U15, U17, U19)); Tổng Công ty Nước–Môi trường Bình Dương Biwase đầu tư môn Xe đạp nữ  (đội xe đạp nữ đang là 01 trong 03 đội xe đạp mạnh của quốc gia, đã đạt nhiều thành tích cao tại các giải quốc gia, quốc tế, đóng góp nhiều vật động xuất sắc cho đội tuyển quốc gia, đóng góp tích cực vào thành tích chung của thể thao Bình Dương trên đấu trường quốc gia, quốc tế); Công ty Vật liệu Xây dựng Bình Dương đầu tư môn Bóng chuyền; Công ty Cổ phần Kinh doanh thể thao đầu tư môn Quần vợt; Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh tài trợ cho môn Xe đạp nam. Bên cạnh đó, các môn thể thao khác như: thể hình, võ thuật, cờ, billards, bowling, khiêu vũ thể thao, pickleball,... cũng được xây dựng, phát triển từ nền tảng XHH, xuất phát từ niềm đam mê, tâm huyết mãnh liệt của những tập thể, cá nhân…

Bình Dương: đẩy mạnh XHH TDTT góp phần phát triển kinh tế thể thao - Ảnh 1.

Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương Cúp Biwase là một trong những giải đấu lớn được tổ chức hàng năm bằng hình thức XHH.

Tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế thể thao

Cùng với việc vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối chính sách của Đảng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, Bình Dương đã có những chính sách đột phá trong việc thu hút vốn và nhân tài, phát huy tốt nội lực, tận dụng hiệu quả cơ hội; luôn có sự năng động, có tư duy đổi mới, thường xuyên có những thay đổi trong định hướng chiến lược trên cơ sở đánh giá đúng thế mạnh, cơ hội phát triển. Điều đó đã đưa Bình Dương cơ bản là một tỉnh công nghiệp, cơ cấu kinh tế hiện đại, có ngành công nghiệp lớn mạnh, dịch vụ phát triển và là điểm tựa vững chắc cho kinh tế của tỉnh.

Hạ tầng cơ sở vật chất nói chung, hệ thống thiết chế TDTT hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại cùng với những kết quả đạt được trong công tác XHH TDTT đã tạo cho Bình Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế thể thao.

Bên cạnh đó, việc khai thác và sử dụng các công trình TDTT trong và ngoài công lập được thực hiện hiệu quả, mang lại những giá trị về kinh tế. Nhiều loại hình hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức, cá nhân chú trọng đầu tư hoạt động kinh doanh và phát triển một cách nhanh chóng và đây chính là những sân chơi lành mạnh và bổ ích cho quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu tham gia tập luyện, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, TDTT.

Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh các loại hình dịch vụ TDTT đã góp phần mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế thể thao trên địa bàn tỉnh- một lĩnh vực nhiều tiền năng nhưng chưa được khai thác và phát triển một cách tương xứng với những tiềm năng và lợi thế của địa phương. Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, cá nhân hướng tới lĩnh vực nhiều tiềm năng, mà còn tạo thuận lợi cho người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ này.

Có thể khẳng định, hoạt động kinh tế TDTT của Bình Dương trong thời gian qua đã thu được nguồn tài chính nhất định, góp phần giảm chi ngân sách nhưng vẫn đảm bảo cho công tác TDTT phát triển mạnh mẽ. 

Với tất cả tiềm năng và lợi thế ở trên, cùng với định hướng phát triển mang tầm chiến lược của các nhà quản lý, việc phát triển kinh tế thể thao của Bình Dương đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Theo Cục Thể dục thể thao

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×