Bình Dương: Cơ hội kết nối phát triển du lịch
20/06/2024 | 14:33Phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được tỉnh, các địa phương quan tâm thực hiện. Nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, những năm gần đây, Bình Dương đã có nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó có các hoạt động lễ hội. Trong đó, Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 là cơ hội quảng bá tiềm năng, kết nối để tiếp tục đưa du lịch Bình Dương ngày một phát triển hơn, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Quảng bá tiềm năng
Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương còn rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển dịch vụ du lịch. Trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, việc phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và duy trì các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản truyền thống của các địa phương như TP.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng, đặc biệt là vườn cây ăn trái Lái Thiêu của TP.Thuận An đã được quan tâm chú trọng, khai thác để phát triển du lịch.
Ngoài những ngành nghề truyền thống đặc trưng, Lái Thiêu xưa (TP.Thuận An ngày nay) còn là vùng sinh thái nông nghiệp rất đặc sắc của Bình Dương và cả vùng Đông Nam bộ. Vùng đất này từng được xem là “thánh địa” của trái cây. Những loại trái cây được trồng trên vùng đất này được đánh giá là ngon không có nơi nào sánh được, có thể kể đến như măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ... Trong nhiều năm qua, lễ hội trái cây được tổ chức trên vùng cây trái Lái Thiêu đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa rất được mong chờ vào mùa trái cây chín hàng năm. Thời gian gần đây, một số nhà vườn trên địa bàn TP.Thuận An (chủ yếu ở phường Hưng Định) đã có sự đầu tư ban đầu để cải tạo vườn cây và cung cấp dịch vụ ăn uống tại vườn cây nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm và bước đầu đã thu hút được nhiều người quan tâm, tìm đến, đặc biệt là vào mùa trái chín.
Năm nay, Lễ hội “Mùa trái chín” được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành khu vực miền Đông và Tây Nam bộ, các huyện, thành phố trong tỉnh cùng các đơn vị kinh doanh du lịch, ẩm thực. Theo Ban Tổ chức, các hoạt động phong phú, đa dạng được tổ chức xuyên suốt trong thời gian diễn ra lễ hội sẽ tiếp tục giới thiệu những hình ảnh tươi đẹp của vùng đất, con người Bình Dương đến với nhiều người, góp phần phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn của các địa phương có vườn cây ăn trái, đặc biệt là vườn cây ăn trái Lái Thiêu.
Những ngày qua, lượng khách đến với Lễ hội “Mùa trái chín” rất đông, đặc biệt là vào chiều tối. Theo đánh giá của nhiều người sau khi đến đây tham quan, trải nghiệm, lễ hội năm nay có rất nhiều loại trái cây được trưng bày giới thiệu, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, mua sắm, thưởng thức của khách hàng.
Kết nối để phát triển
Ngoài những loại trái cây, ẩm thực của vùng đất Lái Thiêu, trong không gian Lễ hội “Mùa trái chín” năm nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đều có gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP cũng như những tiềm năng, thế mạnh đang được quan tâm khai thác phát triển du lịch của địa phương đến với mọi người.
Thời gian qua, huyện Phú Giáo là một trong những địa phương đã có sự quan tâm về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Một số cơ sở trên địa bàn huyện, như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp Unifarm (U&I), Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Dương… đã có sự gắn kết với chính quyền địa phương để tổ chức hoạt động tham quan, tìm hiểu về du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dành cho học sinh, sinh viên, du khách có quan tâm về nông nghiệp. Trao đổi với P.V, ông Phan Hữu Trí, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo, cho biết việc tham gia Lễ hội “Mùa trái chín” năm nay là một trong những hoạt động được huyện Phú Giáo rất quan tâm, nhằm kết nối, thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển hơn trong thời gian tới. Theo đó, Phú Giáo đã chọn những sản phẩm trái cây đạt OCOP, như: Dưa lưới, chuối, ổi và một số trái cây, sản phẩm nông nghiệp của các cơ sở trên địa bàn… để giới thiệu, quảng bá tại lễ hội này.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của huyện Bắc Tân Uyên tại không gian Lễ hội “Mùa trái chín” năm nay cũng được nhiều người ghé tham quan, tìm hiểu và chụp hình kỷ niệm. Nhiều người còn quét mã QR để tìm hiểu thêm thông tin về sản phẩm nông nghiệp của huyện và cho biết sẽ tìm đến địa phương này trong một ngày gần nhất để được trải nghiệm thực tế. Ông Châu Văn Ra, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, cho biết hiện nay trên địa bàn huyện đã có 45 sản phẩm được công nhận đạt OCOP. Huyện đã chọn các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để giới thiệu tại lễ hội này, như: Bưởi, cam, quýt, chuối, muối tiêu, tinh bột nghệ và các loại dầu gội, xà bông, tinh dầu thảo dược... Theo ông Ra, huyện cũng rất quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Nếu địa phương kết nối được các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch trên địa bàn huyện trong lễ hội này sẽ rất tốt.
Ngoài các loại trái cây, sản phẩm nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh, Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 còn có sự tham gia giới thiệu của 8 tỉnh, thành trong khu vực. Đây chính là cơ hội để tỉnh, các địa phương trong tỉnh tìm hiểu, đẩy mạnh kết nối với các đơn vị, cơ sở của các tỉnh, thành bạn nhằm tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Lễ hội vẫn còn tiếp tục đến ngày 22/6 này. Hy vọng lễ hội năm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội kết nối, phát triển đối với các sản vật cây trái, sản phẩm nông nghiệp cũng như du lịch của mỗi địa phương.