Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Định: Xây dựng không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch

10/05/2024 | 13:40

Văn hóa không chỉ là “thẻ căn cước” của mỗi dân tộc mà còn là “chứng thư” cho những khác biệt của từng vùng miền. Do vậy, mỗi địa phương cần có những chiến lược khác nhau, thích ứng với từng điều kiện cụ thể nhằm bảo tồn di sản văn hóa để phát triển du lịch.

Bình Định: Xây dựng không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: tayson.binhdinh.gov.vn

So với các địa phương khác, Bình Định là vùng đất có ý nghĩa chiến lược trong hành trình Nam tiến của tiền nhân, là mảnh đất “tồn sinh” và “cộng hưởng” của dòng văn hóa chủ lưu Việt - Chăm - Hoa. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Bình Định cần quan tâm đến yếu tố mang tính khu biệt này để có một cái nhìn tổng quan và kết nối đối với những công trình kiến trúc, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn truyền thống và hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh trước khi xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mang sắc màu địa phương, chuyên biệt.

Công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cần tuân thủ chiến lược khoa học, thiết thực và phù hợp với đặc trưng văn hóa, đặc điểm vật chất, phi vật chất và khả năng lưu trữ của di sản. Nó cần dựa trên những ý kiến tham mưu, kết luận khoa học, đánh giá khách quan và có trách nhiệm của các nhà nghiên cứu trong quá trình khai thác tài nguyên văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, một bộ phận hướng dẫn viên không đầu tư tìm hiểu về di sản văn hóa các địa phương nên khi hướng dẫn thuyết minh cho du khách chưa quảng bá được tính khu biệt của vùng địa văn hóa Bình Định. Vì thế, cần có những lớp tập huấn cho đội ngũ này về kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn viên truyền tải tốt hơn những thông điệp từ quá khứ của cha ông để lại, giúp cho du khách hiểu thêm, yêu thêm và mong muốn quay trở lại.

Hiện nay, trong nội dung giáo dục địa phương thuộc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, việc giới thiệu và tổ chức quảng bá, tìm hiểu các di sản tiêu biểu của địa phương đến học sinh đã và đang tạo được hiệu quả lan tỏa rất rốt. Việc làm này cần được tổ chức thường xuyên hơn, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thuyết trình, cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa quê hương. Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn di sản, các địa phương cần có các chương trình sinh hoạt giới thiệu những ưu lợi thế của di sản văn hóa địa phương. Cùng với niềm tự hào là trách nhiệm chung tay bảo vệ, hạn chế sự xâm hại di sản văn hóa, là đóng góp lớn nhất mà cộng đồng xã hội đã mang lại cho chúng ta - những người làm công tác văn hóa hiện nay.

Theo Báo Bình Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×