Bình Định: Từng bước tôn tạo di tích thành Hoàng Đế
07/03/2023 | 08:42Di tích thành Hoàng Ðế ở xã Nhơn Hậu, Tx. An Nhơn, tỉnh Bình Định mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt. Hiện tại, ngành văn hóa phối hợp các sở, ngành liên quan và Tx. An Nhơn triển khai công tác quy hoạch, từng bước tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch.
Thành Hoàng Đế được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia vào tháng 12/1982 với diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích 330 ha. Đến năm 2018, UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL thống nhất thỏa thuận điều chỉnh thu hẹp diện tích khu vực bảo vệ di tích thành Hoàng Đế còn hơn 81,88 ha bao gồm 8 điểm di tích tại Văn bản số 3329/BVHTTDL-DSVH ngày 30/7/2018; trong đó, khu vực bảo vệ 1 có diện tích hơn 39,9 ha, khu vực bảo vệ 2 có diện tích hơn 41,9 ha.
Năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực lân cận các di tích gốc thành Hoàng Đế trên tổng diện tích rộng 480,5 ha; trong đó, khu vực đất có di tích gốc rộng 85,6 ha, nhằm từng bước bảo vệ, tôn tạo, phục hồi di tích.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, từ tháng 11/2022- 01/2023, Bảo tàng tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan, Tx. An Nhơn tiến hành cắm 230 cột mốc/8 điểm di tích khoanh vùng với tổng diện tích 81,882 ha, nhằm xác định ranh giới làm cơ sở cho việc quản lý vùng, không gian của các điểm di tích để bảo vệ, tránh tình trạng xâm hại di tích. Từ đó, tạo điều kiện xác định kết nối và đầu tư phát triển đô thị, triển khai các bước tiếp theo để thực hiện dự án tôn tạo, phát huy giá trị di tích thành Hoàng Đế.
Tx. An Nhơn chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, cùng các sở, ngành liên quan đã và đang thực hiện các bước, như: Mở rộng, nâng cấp, thảm nhựa đường đến di tích Đàn Nam Giao; lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất dọc Bờ Thành Ngoại tại Cụm công nghiệp (CCN) Gò Đá Trắng; lập dự án mở rộng CCN Tân Đức phục vụ nhu cầu di dời các DN, cơ sở sản xuất tại CCN Gò Đá Trắng; lập dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng các di tích Đàn Nam Giao, khu Thành Nội, Đền thờ Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để giải phóng mặt bằng, di dời các công trình để bảo vệ di tích; xây dựng dự án tái định cư để di dời toàn bộ các hộ dân đang sống trong khu vực Thành Nội; quy hoạch trồng cây xanh, nâng cấp các tuyến đường trong khu vực di tích…
Ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH-TT Tx. An Nhơn, cho biết: Thị xã tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chống xâm hại khuôn viên di tích được cắm mốc. Đặc biệt, sau khi cặp voi đá trong khuôn viên di tích thành Hoàng Đế được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào tháng 1/2023, Bảo tàng tỉnh đang xây dựng phương án cụ thể để bảo vệ di sản này. Về phía địa phương, UBND thị xã cũng đã chỉ đạo các đơn vị, chính quyền các địa phương ở thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm phát huy giá trị bảo vật quốc gia; đồng thời bảo vệ, gìn giữ di sản, cảnh quan khuôn viên di tích.
Việc triển khai thực hiện các bước đầu tư, xây dựng, tôn tạo khu di tích thành Hoàng Đế gắn phục vụ du lịch đảm bảo giữ nguyên những kiến trúc gốc của di tích cũng như các giá trị lịch sử, văn hóa về một tòa thành hai lần giữ vai trò là kinh đô trong lịch sử.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc SởVăn hóa và Thể thao, cho biết: Đối với một số di tích trong khu di tích thành Hoàng Đế đã được quy hoạch khoanh vùng tỷ lệ 1/2000, như: Đàn Nam giao, Tử Cấm Thành, khu vực Thành Nội, xây dựng mới khu Đền thờ Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, Sở phối hợp với Viện Bảo tồn di tích, Cục di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) và các chuyên gia đầu ngành sớm triển khai xây dựng phương án quy hoạch chi tiết, thiết kế tu bổ, tôn tạo, báo cáo UBND tỉnh xem xét cho chủ trương và bổ sung kinh phí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có cơ sở triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công. Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh.