Bình Định: Kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025
24/09/2021 | 13:49UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch thực hiện "Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Hệ thống thư viện công cộng tỉnh hiện có 1 thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện, thị xã, 18 thư viện xã và trên 60 phòng đọc sách ở cơ sở; với khoảng 500 nghìn bản sách. Hằng năm, các thư viện, phòng đọc cấp gần 10.000 thẻ bạn đọc, phục vụ gần 500 nghìn lượt bạn đọc/năm, với gần 1 triệu lượt sách phục vụ/năm.
Đáng ghi nhận, thời gian qua, Thư viện tỉnh và các thư viện tuyến cấp huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Giai đoạn năm 2017 - 2020, có 25,7 triệu lượt truy cập vào website của Thư viện tỉnh. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều hoạt động thư viện như: Xây dựng phần mềm mã màu dành cho kho mở, ứng dụng phần mềm quản lý thư viện OpenBiblio dành cho thư viện huyện, xã. Trong bối cảnh để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều lần thư viện phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp nhưng bạn đọc có thể vào website thư viện để đọc các tài liệu số.
Thư viện tỉnh đã xây dựng hệ thống quản lý thư viện dùng chung cho 10 thư viện cấp huyện và 75 thư viện trường học. Bạn đọc có thể truy cập và tra tìm tài liệu các thư viện qua mạng internet, tiết kiệm rất nhiều kinh phí đầu tư của nhà nước. Dù vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào các thư viện cấp huyện, thư viện trường học còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống này còn nghèo nàn.
Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện là tất yếu, tuy nhiên thực tế vận hành đã bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn, do yếu tố bản quyền, các thư viện không thể cung cấp nhiều tài liệu qua internet. Chính vì thế, hiện Thư viện tỉnh đang phân công nhân viên "số hóa" nhiều tác phẩm đã hết thời gian bảo hộ quyền tác giả, đặc biệt ưu tiên các tác giả có tác phẩm văn học dùng trong nhà trường để phục vụ việc học tập của học sinh, sinh viên.
Theo "Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong giai đoạn 2021 - 2025, 100% thư viện công cộng cấp huyện được trang bị phần mềm thư viện số tập trung liên kết với phần mềm thư viện tỉnh và có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến; thực hiện liên kết, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện… Đặc biệt, hệ thống thư viện công cộng tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác. Đến năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở loại hình thư viện cấp tỉnh, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, kỳ vọng: Với kế hoạch được triển khai, tin tưởng sẽ là bước ngoặt lớn giúp nâng cấp đồng bộ, toàn diện nền tảng công nghệ cho thư viện. Khi đó, hệ thống thư viện các cấp sẽ dễ dàng chia sẻ, đổi mới thông tin để thu hút bạn đọc và từng bước bắt kịp xu thế phát triển trong thời đại số hiện nay./.