Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Định: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, tạo sản phẩm mới

03/09/2021 | 11:19

Phát triển du lịch nông nghiệp là mô hình vừa tạo sản phẩm du lịch, mang lại sinh kế cho nông dân, vừa góp phần quảng bá, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của vùng nông thôn. Để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp cần có định hướng, chiến lược phát triển lâu dài...

Bình Định: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, tạo sản phẩm mới - Ảnh 1.

Khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) thu hút nhiều du khách tìm đến trải nghiệm làng rau, tham quan các ngôi nhà cổ.

Nhiều tiềm năng phát triển

Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch Bình Định đã tiến hành khảo sát 3 địa điểm là làng hoa Bình Lâm (thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), làng rau VietGAP Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), vườn hoa anh đào Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) để xây dựng các tuyến du lịch nông nghiệp, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Huỳnh Cao Nhất, cho biết: Ngoài các địa điểm nói trên, trong tỉnh còn có một số nhà vườn như trang trại tại thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) của chị Phùng Thanh Miền; khu vườn trồng rau hữu cơ Yuuki farm tại thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) của anh Trịnh Hưng Công... cũng được chúng tôi đến khảo sát để đưa vào kế hoạch triển khai kết nối các tour du lịch nông nghiệp trong thời gian tới.

Làng hoa Bình Lâm được UBND tỉnh công nhận làng nghề trồng hoa, hiện có khoảng 300 hộ trồng hoa cúc kiểng. Nhiều nông hộ còn trồng chuyên canh các loại hoa kiểng như phú quý, đồng tiền, hoa hồng... Ông Nguyễn Ngọc Tùng, một người dân trồng chuyên canh hoa kiểng ở Bình Lâm, bày tỏ: "Lâu nay làng hoa Bình Lâm cũng được du khách tìm đến tham quan, nhưng họ chủ yếu đi theo nhóm lẻ, chưa có dịch vụ bài bản để phục vụ du khách. Nếu hình thành được các tour du lịch đưa du khách đến với làng hoa, tháp Bình Lâm, đồng quê ở địa phương sẽ phát huy được tiềm năng, nhà vườn cũng mạnh dạn đầu tư hơn".

Bình Định: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, tạo sản phẩm mới - Ảnh 2.

Làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp.

Vùng cao xã Vĩnh Sơn gần đây cũng nổi tiếng với vườn hoa đào, cẩm tú cầu của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, các vườn rau VietGAP của nông dân nơi đây. "Vĩnh Sơn thu hút đông đảo du khách tìm đến đã giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bán rau, phục vụ ăn uống. Nhiều hộ dân cũng đã trồng rau tại nhà, hoa đào, hoa hồng trước ngõ để tạo điểm nhấn cho du khách đến tham quan", ông Đặng Văn Khánh, hộ dân tham gia dự án trồng rau VietGAP ở xã Vĩnh Sơn, chia sẻ.

Thị trấn Phú Phong có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, những ngôi nhà kiến trúc xưa, những bờ rào chè tàu được cắt tỉa tỉ mỉ... tạo nên nét đặc trưng, cuốn hút riêng, nhất là làng rau VietGAP Thuận Nghĩa. Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, cho biết: "Những năm gần đây, có nhiều du khách tìm về Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa để tham quan, tìm hiểu nét văn hóa của người dân địa phương, cùng ăn ở với nông dân để trải nghiệm cách trồng rau. Đây là tín hiệu vui để tạo đà phát triển du lịch nông nghiệp sau này".

Đánh thức du lịch nông nghiệp

Để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, bên cạnh việc nâng cao nhận thức người dân về cách làm du lịch, các địa phương cũng chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Theo ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong địa phương đã nâng cấp một số tuyến đường vào làng rau Thuận Nghĩa, phối hợp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nông dân để bà con có kỹ năng đón tiếp, phục vụ khi du khách có nhu cầu lưu trú, khám phá những ngôi nhà cổ, trải nghiệm cuộc sống của cư dân địa phương.

Bình Định: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, tạo sản phẩm mới - Ảnh 3.

Xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) nổi tiếng với sắc hoa anh đào, các vườn rau VietGAP.

UBND tỉnh cũng đã có chủ trương phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh; trong đó, cho chủ trương đầu tư đường giao thông vào thành Tà Kơn (xã Vĩnh Sơn), đường dẫn vào suối Tà Má (xã Vĩnh Hiệp)... Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết: "Công ty đang ươm giống để phát triển đường hoa anh đào, vườn hoa đào xứ Bắc tại Vĩnh Sơn; trồng thêm các loại hoa hoàng anh, hoa cẩm tú cầu và một số loài hoa khác để tạo điểm nhấn khi du khách đến với Vĩnh Sơn thời điểm nào cũng có hoa. Chúng tôi cũng sẽ đứng ra làm đầu mối hướng dẫn người dân địa phương làm du lịch nông nghiệp với việc thành lập các nhóm homestay, nhóm trồng rau, hoa, chăn nuôi để phát triển du lịch nông nghiệp; đồng thời định hướng phát triển thêm du lịch sinh thái rừng để tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư bảo vệ rừng ở đây".

Việc phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong tỉnh, mang lại sinh kế cho nông dân, mà còn nhằm duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Huỳnh Cao Nhất, du lịch nông nghiệp cũng đặc biệt cần nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì hình ảnh điểm đến và tạo động lực thu hút du khách trở lại một cách thường xuyên hơn, nên cần có các dịch vụ như du lịch về đêm, du lịch trải nghiệm... Ngành Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền các địa phương xây dựng giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp đồng bộ, phù hợp với điều kiện từng địa phương, vùng miền; xây dựng chính sách hỗ trợ có liên quan đến du lịch nông nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nông hộ, người lao động tại nông thôn. Chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương định hướng phát triển hạ tầng giao thông tạo thuận tiện cho du khách đến tham quan; liên kết các điểm du lịch nông nghiệp vào các tuyến, điểm du lịch tại các nơi triển khai và địa phương lân cận; tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp...

Theo Báo Bình Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×