Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Định: Đánh thức tiềm năng du lịch các huyện miền núi, trung du

04/05/2021 | 07:53

Các huyện miền núi, trung du của Bình Định có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, quan trọng là biết chọn hướng khai thác đúng. "Bệ phóng" thuận lợi ban đầu là du lịch Quy Nhơn và vùng lân cận đang phát triển mạnh, sẽ "phân phối" du khách về các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, An Lão nếu các địa phương này nắm bắt được "thời cơ".

Bình Định: Đánh thức tiềm năng du lịch các huyện miền núi, trung du - Ảnh 1.

Dòng sông Côn uốn lượn qua những dãy núi trập trùng ở khu vực hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh).

Nhận diện tiềm năng

Cách đây khoảng 7 - 8 năm, lần đầu tiên đến thăm Sa Pa, tham quan làng du lịch cộng đồng ở bản Cát Cát, rồi đứng trên núi Hàm Rồng, bỗng dưng tôi liên tưởng đến Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) của quê nhà. Để ý tìm hiểu các vùng cao nhất trong tỉnh, tôi tin Vĩnh Sơn là "viên ngọc quý" hàng đầu để khai thác du lịch. Thứ nhất, nơi đây ở độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những cánh rừng hùng vĩ, sông, suối, thác còn nguyên sơ, chứa đựng những điều kỳ bí như thành đá Tà Kơn, thác Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ - căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn… Thứ hai, đồng bào Bana còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Thứ ba, có những công trình để tham quan như: Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, nhiều vườn rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số loài hoa cảnh quan đang được trồng phục vụ phát triển du lịch như: Đào Nhật Tân (Hà Nội) và đào Osaka (Nhật Bản), hoa Tú Cầu (Đà Lạt)…

Tại huyện An Lão, điểm đến nổi bật nhất là xã An Toàn, ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển; khí hậu mát mẻ bậc nhất trong tỉnh (nhiệt độ trung bình năm khoảng 22 - 240C. An Toàn là nơi có khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất trong tỉnh; trong đó, có vẻ đẹp rừng chè tự nhiên rộng đến 1,9 ha trên đồi cao, cung cấp nguyên liệu chế biến "Chè tiến vua An Toàn" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bảo hộ độc quyền nhãn hiệu; khu rừng sim tự nhiên có tổng diện tích đến gần 200 ha, rất đẹp vào mua hoa sim nở… Bên cạnh đó, còn có nhiều suối, thác đẹp, những thửa ruộng bậc thang, nhiều ngôi nhà sàn đẹp giữa rừng núi.

Bình Định: Đánh thức tiềm năng du lịch các huyện miền núi, trung du - Ảnh 2.

Thiếu nữ Bana ở Vĩnh Sơn bên vườn hoa đào chào đón mùa xuân Tân Sửu 2021.

Trong số 3 huyện miền núi của tỉnh, huyện Vân Canh có lợi thế ở gần TP Quy Nhơn hơn cả, càng thuận lợi hơn nếu di chuyển theo tuyến từ nút giao thông Long Vân đến xã Canh Vinh. Do đó, cần tập trung khai thác du lịch ở khu vực trung tâm thị trấn Vân Canh và các xã lân cận có đồng bào Bana, Chăm H'roi sinh sống, trước mắt nên theo hướng du lịch cộng đồng tìm hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống địa phương; về lâu dài tìm hướng khai thác riêng để phát huy được thế mạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ở xã vùng cao Canh Liên.

Đối với huyện trung du Hoài Ân, cần khai thác du lịch theo đúng định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh (Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão) đến năm 2025 tầm nhìn 2035 được UBND tỉnh phê duyệt năm 2019, trong đó có mục tiêu cụ thể về sản phẩm du lịch ở Hoài Ân là du lịch nông nghiệp, trang trại. Theo định hướng này, chúng tôi gần đây đi khảo sát thấy có sự thuận lợi để kết nối du lịch Phù Mỹ - Hoài Ân theo tuyến tỉnh lộ 631 đi từ xã Mỹ Trinh đến xã Ân Tường Tây. Theo đó, du khách có thể di chuyển thuận lợi, nhanh hơn khi khám phá từ biển, đầm ở Phù Mỹ đến các trang trại, nhà vườn ở Hoài Ân. Điều thuận lợi hiện có là ở thôn Tân Thịnh (xã Ân Tường Tây) đã hội tụ nhiều nhà vườn trồng và chế biến sản phẩm danh trà Gò Loi; các loại trái cây đặc sản như bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt đường… và có trang trại nuôi gà ta thả đồi vào loại lớn hàng đầu trong tỉnh của "tỷ phú nông dân" Mai Văn Rõ.    

Định vị mục tiêu

Từ năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Vĩnh Sơn với tổng diện tích 28,54 ha tại khu vực xung quanh hồ A thủy điện Vĩnh Sơn. Mãi đến giữa tháng 4.2021, khi trở lại Vĩnh Sơn mới thấy tuyến đường chính trong khu du lịch đang triển khai xây dựng dang dở. Trong khi đó vào năm ngoái, khi khám phá huyện Kbang của tỉnh Gia Lai, giáp ranh với huyện Vĩnh Thạnh, tôi rất ấn tượng khi thấy đường bê tông xuyên rừng, qua các làng đồng bào dân tộc, kèm bảng chỉ dẫn cụ thể để khách đi xe ô tô, xe máy thuận tiện đến gần các thác đẹp… Đồng nghiệp địa phương cho biết, Chính quyền địa phương đã "đi trước đón đầu" từ khi chưa có tour du lịch nào về đến huyện này.

Bình Định: Đánh thức tiềm năng du lịch các huyện miền núi, trung du - Ảnh 3.

Ngoài xã An Toàn, An Lão còn có nhiều cảnh đẹp, tiềm năng phát triển du lịch ở một số xã, thị trấn như thác 4 tầng tại xã An Quang.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho biết: "Huyện An Lão tập trung quảng bá, đầu tư để khai thác du lịch trước hết ở An Toàn, đây là vùng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa truyền thống đặc sắc. Bên cạnh việc cần có sự hỗ trợ của tỉnh, huyện sẽ cố gắng huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư ở An Toàn và các điểm tiềm năng du lịch của huyện. Tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào Bana gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống gắn với phục vụ du lịch cộng đồng; chung tay bảo vệ, chăm sóc khu đồi sim, các nơi có cảnh đẹp… để làm sao thu hút được du khách với các sản phẩm, dịch vụ có đặc sắc riêng".  

Theo ông Nguyễn Minh Hải, Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Vân Canh, đơn vị tiếp tục tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời quy hoạch các làng văn hóa để phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống, mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp đặc trưng vùng dân tộc thiểu số gắn với khai thác phục vụ du lịch./.   

Theo baobinhdinh.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×