Bình Định: Chú trọng các chính sách đặc thù về văn hóa
24/04/2024 | 11:55Ngày 23.4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo báo cáo, trong 10 năm qua thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, Tỉnh ủy Bình Định cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác nghiên cứu, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn chậm, chưa sát với tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Phong trào xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa có nơi, có việc vẫn còn mang tính hình thức, chưa tạo được mô hình tiêu biểu; các điểm sáng văn hóa chưa được lan tỏa, nhân rộng.
Các ngành chức năng chậm phối hợp tham mưu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Hệ thống thiết chế phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở chưa đồng bộ, nhất là ở cơ sở. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa hiệu quả chưa cao.
Tỉnh ủy Bình Định cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu quy định cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, bố trí đội ngũ văn nghệ sĩ có năng lực biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật; có chính sách đặc thù trong việc thu hút và đào tạo học viên các ngành nghệ thuật truyền thống.
Đồng thời, kiến nghị Bộ VHTTDL sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15.5.2023 và xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện một số nhiệm vụ của chương trình tại địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, có giải pháp để khuyến khích, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hóa các ngành công nghiệp văn hóa; có chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.
Tại Hội nghị, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn nhấn mạnh, Tỉnh ủy Bình Định sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW, Chương trình hành động số 24-CTr/TU gắn với thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chiến lược, đề án, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngoài ra, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Lê Kim Toàn cũng nêu rõ, tỉnh Bình Định sẽ chú trọng các chính sách đặc thù về văn hóa, nhất là trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Cùng với đó, xây dựng Đề án phát triển Quy Nhơn thành Trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ; chủ động chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được cấp có thẩm quyền ban hành.
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa số gắn với kinh tế số, xã hội số và công dân số phù hợp với điều kiện thực tiễn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…