Bến Tre: Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
13/04/2022 | 16:24Ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030; ngày 01/7/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 3706/KH-UBND về thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ và căn cứ theo tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và nhân dân về vị trí, vai trò, định hướng phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bằng nhiều hình thức. Các sở, ngành, địa phương đã tiếp tục phối hợp triển khai, hướng dẫn, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Thường xuyên rà soát, kiến nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét sớm ban hành các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển. Triển khai thực hiện tốt Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch, khuyến khích người dân có điều kiện đầu tư kinh doanh du lịch.
Dự án (DA) đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch 8 xã ven sông Tiền với tổng mức đầu tư 199 tỷ đồng, hiện nay đã thực hiện giai đoạn 1 từ xã An Khánh - Phú Đức, giải ngân năm 2021 là 16,9 tỷ đồng, đến cuối năm 2021, tổng số tiền là 149 tỷ đồng và đang tiến hành các thủ tục để khởi công, thực hiện giai đoạn 2 từ Phú Túc - Tân Phú, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Tiếp tục khởi công công trình bến tàu DL tại công viên bờ Nam sông Bến Tre thuộc địa bàn xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre, với tổng mức đầu tư 12,5 tỷ đồng. Đã và đang triển khai thực hiện 30 công trình hạ tầng giao thông góp phần tạo điều kiện phục vụ du lịch.
Huyện Chợ Lách chỉnh trang hệ thống hạ tầng tại 5 ấp thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch. Huyện Ba Tri đã tiến hành nâng cấp đoạn đường từ xã An Hiệp đến bến phà An Bình; bê-tông hóa tuyến đường chính trên cù lao An Bình; đang thi công DA cầu phà An Bình. Huyện Mỏ Cày Bắc đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường ở các xã, đảm bảo xe 4 bánh lưu thông thông suốt. Huyện Bình Đại đã và đang triển khai đầu tư xây dựng đường trên tuyến đê Đông sông Tiền, tuyến đường ra biển Thới Thuận, hệ thống đường trên đê Tây; xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ nhu cầu các bến tàu khách DL trên địa bàn huyện. TP. Bến Tre đầu tư, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông ở các địa phương phát triển du lịch như xã Phú Nhuận, xã Nhơn Thạnh, các tuyến đường đến các điểm tham quan du lịch.
DA đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đến nay, toàn tỉnh có 32 DA với tổng số vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng. Trong đó, có 3 DA đã hoàn thành, 5 DA vừa kinh doanh vừa tiếp tục đầu tư, 8 DA đang đầu tư chưa hoàn thành, 3 DA đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện, 13 DA đang khảo sát vị trí để đầu tư. Dự kiến danh mục các DA ưu tiên mời gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với 114 DA, trong đó có 31 DA về lĩnh vực DL. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành rà soát, đề xuất lại các DA phù hợp theo 18 chương trình, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Trong năm 2021, ngành du lịch tiếp tục hoàn thiện và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo phục vụ khách du lịch. Sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, tiếp tục tập trung phát triển ở 8 xã ven sông Tiền, 3 xã phía Nam TP. Bến Tre. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách; DA Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cồn Tân Mỹ và Khu du lịch nghỉ dưỡng Cồn Quy; xúc tiến hình thành Đề án Làng Dừa Mỏ Cày Nam; kêu gọi xây dựng Khu du lịch sinh thái cồn Thành Long, xã Thành Thới A.
Hiện toàn tỉnh có 57 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận; trong đó, có 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các công ty lữ hành thường tổ chức các chương trình du lịch cho du khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất từng loại sản phẩm tại các làng nghề truyền thống như: làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Chợ Lách; làng nghề sản xuất kẹo dừa, các cơ sở chế biến dừa; làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; làng nghề đan đát, thắt hoa...
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn, để thực hiện đề án có hiệu quả hơn, các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp ủy, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nghiên cứu xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, mang tính khác biệt, đặc trưng riêng của tỉnh, nhất là loại hình DL cộng đồng. Quan tâm tổ chức tốt các sự kiện để tạo điểm nhấn gắn với các công trình văn hóa, lịch sử để thực hiện tốt mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Rà soát, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo cơ chế để thu hút đầu tư và phát triển du lịch của tỉnh. Phối hợp tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh gắn với triển lãm giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Triển khai thực hiện đạt hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch đối với các tỉnh, thành phố đã ký kết. Đặc biệt là phối hợp triển khai đạt kết quả thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025./.