Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bến Tre: Mô hình du lịch nông nghiệp "vườn kiểu mẫu kết hợp du lịch"

17/12/2021 | 10:03

Bến Tre là một trong 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tỉnh có 65 km bờ biển tạo thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch. Hệ thống kênh rạch chằng chịt, vườn cây ăn trái phong phú, nhiều di tích lịch sử cách mạng, nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa miền sông nước, con người đôn hậu và mến khách.

Bến Tre: Mô hình du lịch nông nghiệp "vườn kiểu mẫu kết hợp du lịch"  - Ảnh 1.

Vườn dừa kiểu mẫu (ảnh L.L.)

Du lịch Bến Tre thời gian qua phát triển dựa trên các loại hình du lịch sinh thái sông nước Xứ dừa; du lịch cộng đồng (homestay) kết hợp với tham quan các làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa - lịch sử. Lượng khách du lịch đến Bến Tre thời gian qua tăng trưởng rất nhanh. Năm 2019 Bến Tre đã đón hơn 1.882.000 lượt khách đến tham quan du lịch.

Để phát triển du lịch, việc xây dựng các điểm đến an toàn, xanh, sạch, đẹp có nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ tại chỗ và làm quà tặng du lịch là rất cần thiết. Việc phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch là hướng đi mới cho nông nghiệp, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất, vừa có điều kiện giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến du khách trong và ngoài nước.

Căn cứ Quyết định số 631/QĐ-SNN ngày 13/10/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy trình quản lý mô hình phát triển sản xuất. Ứng dụng quy trình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Sử dụng các nguồn vật tư đầu vào có nguồn gốc hữu cơ như phân hữu cơ vi sinh, super humic,... vừa cải tạo độ phì cho đất, vừa thân thiện với môi trường vừa giúp cây tăng tính chống chịu trong điều kiện biến đổi khí hậu gay gắt hiện nay. Việc quản lý dịch hại tổng hợp bằng thiên địch, vi sinh vật vừa an toàn vừa tăng tính đa dạng sinh học vừa tạo sự cân bằng cho hệ sinh thái. Đồng thời, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, môi trường trong lành giúp cho khách tham quan du lịch.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều điểm đến là các vườn cây ăn trái để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, các hộ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo không gian vườn an toàn, xanh, sạch, đẹp vừa tạo ra sản phẩm chất lượng cao để phục vụ khách du lịch. Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và Trung tâm Khuyến nông Bến Tre xây dựng mô hình “Xây dựng vườn kiểu mẫu kết hợp du lịch" nhằm chuyển giao kỹ thuật trong canh tác an toàn, theo hướng hữu cơ, để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, bảo vệ môi trường, phục vụ khách du lịch, từ đó tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Bến Tre: Mô hình du lịch nông nghiệp "vườn kiểu mẫu kết hợp du lịch"  - Ảnh 2.

Sản phẩm từ xơ dừa (ảnh T.S.)

Mô hình “Xây dựng vườn kiểu mẫu kết hợp du lịch" đáp ứng được nhu cầu làm du lịch tại một số địa phương hiện nay, đồng thời góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Hộ tham gia mô hình là những hộ có vườn dừa uống nước, xoài tứ quý, bưởi, cacao và một số loại cây ăn trái khác... thuận tiện giao thông và thích làm du lịch. Xây dựng vườn cây ăn trái an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, có cảnh quan xanh - sạch - đẹp; Nâng cao năng lực cho người nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và phối hợp với ngành du lịch phát triển nhiều điểm đến, nhiều sự lựa chọn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Mục tiêu là hình thành 4 kiểu vườn mẫu tại huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam và Thành Phố Bến Tre: dừa uống nước, dừa xen ca cao - cây ăn trái, dừa xen bưởi, xoài tứ quý xanh - sạch - đẹp, nông sản an toàn làm điểm dừng chân phục vụ khách tham quan, du lịch.

Các sản phẩm phụ đi kèm tại các vườn mẫu tạo thêm tính đa đạng và đặc biệt cho các điểm dừng chân để khách tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm thực tế sản xuất như: Điểm nhân nuôi ong ký sinh, bọ đuôi kìm, điều chế dung dịch xua đuổi từ thảo mộc (gừng, tỏi,…). Xây dựng vườn rau hữu cơ xen trong vườn mẫu, trồng cây xua đuổi, trồng hoa để dẫn dụ côn trùng và tạo thêm cảnh quan đẹp cho vườn. Tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ khách tham quan, du lịch. Đồng thời, hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu đặc sản địa phương đến khách tham quan du lịch. Tăng thu nhập cho chủ vườn, từ hoạt động làm du lịch.

Việc ứng dụng biện pháp sinh học vào quản lý dịch hại góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, giảm khí thải nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu. Ưu tiên sử dụng vật liệu hữu cơ làm vật tư đầu vào sản xuất, để cải tạo độ phì cho đất. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Các mô hình được chọn tham gia đều có điều kiện giao thông thuận lợi, nông dân yêu thích du lịch và có tư duy làm kinh tế. Quá trình chuẩn bị cho việc đón khách du lịch được chuẩn bị khá chu đáo. Tuy nhiên trong năm 2021 dịch bệnh xảy ra nhiều diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng đến ngành du lịch địa phương.

Thời gian tới, các hộ nông dân tham gia mô hình cần tiếp tục nâng cao tư duy sản xuất, kỹ năng làm du lịch, tham quan và học tập các địa phương có mô hình làm du lịch hiệu quả và tiếp tục ứng dụng và cập nhật các tiến bộ kỹ thuật canh tác mới. Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tiếp tục xây dựng các tours, tuyến và phối hợp với các công ty lữ hành giới thiệu, quảng bá và đưa khách đến các điểm đã xây dựng, giúp nông dân vừa sản xuất vừa kinh doanh du lịch cũng như nhân rộng mô hình vườn kiểu mẫu kết hợp du lịch một cách hiệu quả và phát triển bền vững./.

Theo Trung tâm TTXTDL Bến Tre

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×