Bến Tre: Khai thác tiềm năng các di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch
26/08/2021 | 11:01Qua kết quả giám sát Nghị quyết số 12 ngày 9-12-2011 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án Quy hoạch tổng thể xây dựng và trùng tu, tôn tạo hệ thống tượng đài, bia, di tích lịch sử (DTLS), đền thờ doanh nhân trong tỉnh đến năm 2020 cho thấy, tiến độ thực hiện các công trình trong đề án còn chậm so với mục tiêu đề ra.
Việc gắn kết giữa du lịch (DL) với các DTLS chưa được khai thác trong khi tiềm năng đã có. Bên lề Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn cho biết:
Thời gian qua, tiến độ thực hiện các công trình còn chậm so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, xây dựng mới tượng, tượng đài 2/5 công trình đang tổ chức thi sáng tác mẫu phác thảo (đạt 40%). Xây dựng mới tượng đài ngoài quy hoạch 2 tượng đài, trong đó có 1 bia chuyển sang tượng đài. Xây dựng 6 tượng danh nhân trong trường học. Trùng tu, tôn tạo, làm lại, chuyển đổi chất liệu tượng, tượng đài 11/15 công trình đã và đang thực hiện, đạt 73,33%. Xây dựng bia mới 6/40 công trình, đạt 15%. Xây dựng bia, nhà bia mới ngoài quy hoạch 10 công trình. Trùng tu, nâng cấp, di dời, làm mới bia đã xây dựng bị xuống cấp 33/37 công trình, đạt 89,19%. Trùng tu, tôn tạo và mở rộng DTLS văn hóa 9/20 công trình, đạt 45%. Xây dựng đền thờ danh nhân 5/7 công trình, đạt 71,43%. Xây dựng đền thờ mới ngoài quy hoạch 2 công trình. Lập hồ sơ công nhận 12/24 DTLS văn hóa, đạt 50%. Trong đó, có 1/5 di tích cấp quốc gia, đạt 20%; 11/19 di tích cấp tỉnh, đạt 57,89%. Công nhận DTLS văn hóa ngoài quy hoạch 43 di tích.
Nguyên nhân chậm chính là do chưa có kế hoạch phân bổ vốn đầu tư ở từng giai đoạn vì ngân sách còn khó khăn. Việc vận động nguồn xã hội hóa để thực hiện trong giai đoạn những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, ngoại trừ các di tích cấp quốc gia được sự hỗ trợ từ Trung ương và một số công trình do ngân sách tỉnh đầu tư cấp thiết, đối ứng và phải di dời. Các công trình còn lại, nhất là các công trình phân cấp cho huyện, thành phố chưa thực hiện được do thiếu kinh phí. Một số ít địa phương còn gặp khó khăn trong việc tìm quỹ đất để thực hiện. Mặt khác, các công trình sau khi đưa vào sử dụng chưa được các cấp quản lý quan tâm phân bổ nguồn kinh phí bảo trì, tu bổ cho công tác bảo quản trông nom di tích theo Luật Di sản.
Mặt khác, tỉnh còn vướng phải khó khăn về quy định của pháp luật làm ảnh hưởng tiến độ một số công trình mang tính mỹ thuật. Đến ngày 10-11-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới có Thông tư số 08 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong xây dựng công trình tượng đài và phù điêu. Vì vậy, dự toán định mức xây dựng phần mỹ thuật các tượng đài phải chuyển sang năm 2021 mới tiếp tục triển khai gồm công trình: nâng cấp, chuyển chất liệu Tượng đài Đồng Khởi Bến Tre; chuyển đổi chất liệu phần mỹ thuật Tượng đài chiến thắng Lộ Thơ, Tượng đài chiến thắng Giá Thẻ và Tượng đài đánh tàu trên sông Giồng Trôm, dự kiến hoàn thành giai đoạn năm 2022 - 2025.
* Vì sao việc gắn kết hoạt động DL với các DTLS chưa được khai thác triệt để?
Công tác phối hợp và gắn kết hoạt động DL tại các di tích thời gian qua chưa được khai thác triệt để tiềm năng hiện có. Đến nay, tỉnh có 76 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh. Nhiều đơn vị DL trong và ngoài tỉnh đã mở các tour DL đến với các di tích nhằm giới thiệu với khách tham quan về lịch sử văn hóa địa phương, với 3 tuyến DL, khai thác được 21 địa điểm. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 6 di tích quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh, 8 địa điểm chưa được xếp hạng di tích.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thời gian qua được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa cơ bản hoàn thiện, nhưng hệ thống giao thông đến với các khu, điểm DL ở một số xã trên địa bàn các huyện, thành phố còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Một số dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngành DL triển khai thi công chậm so với tiến độ dự án; chậm đưa vào khai thác, tạo sản phẩm DL mới cho địa phương. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, chưa có doanh nghiệp DL lớn làm đầu tàu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Về nguyên nhân, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng DL phân bổ hàng năm chưa cân xứng với nhu cầu kinh phí dự án. Nguồn vốn cho hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến DL rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước về DL ở địa phương tuy có cố gắng nhưng vẫn còn bất cập, các sản phẩm DL chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa thật sự thu hút và hấp dẫn du khách. Các dịch vụ vui chơi giải trí chưa phong phú, đặc sắc, đặc biệt thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực về đêm...
* Những định hướng và giải pháp trong thời gian tới, thưa ông?
Sắp tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu UBND tỉnh tổng kết Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh và trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới. Trong đó, đối với những công trình đã có trong đề án chuyển sang thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, các địa phương cần khảo sát và quy hoạch, xây dựng quỹ đất phù hợp dành cho việc xây dựng công trình. Ngoài các công trình do tỉnh quản lý và lập dự án tổ chức thực hiện, các công trình còn lại phân cấp rõ cho từng huyện, thành phố; từng xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện.
Chú trọng việc tôn tạo, sửa chữa theo hướng bền vững các công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Tiếp tục thực hiện chủ trương các công trình xây dựng mới, công trình chuyển đổi chất liệu, làm lại phải sử dụng chất liệu bảo đảm công trình bền vững. Không vì kinh phí hạn hẹp mà xây dựng qua loa, kém chất lượng. Các dự án đầu tư hạ tầng phát triển DL được quan tâm ưu tiên đầu tư theo quy hoạch nhằm phục vụ cho các hoạt động khai thác, phát triển DL gắn với các di tích trên địa bàn.
Tập trung rà soát các kế hoạch, dự án xây dựng, sửa chữa, trùng tu tượng, tượng đài, DTLS, đền thờ danh nhân do tỉnh giao. Chịu trách nhiệm tham mưu quản lý thống nhất quy trình xây dựng, tôn tạo tượng, tượng đài, bia, DTLS, đền thờ danh nhân phải theo đúng các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với các công trình mỹ thuật. Tham mưu ban hành quy hoạch tổng thể xây dựng và trùng tu, tôn tạo tượng, tượng đài, bia, DTLS, đền thờ danh nhân tỉnh đến năm 2030. Trong đó, tập trung giải quyết những công trình có vấn đề về mỹ thuật.
* Xin cảm ơn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch!
“Theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, nguồn vốn xây dựng tượng, tượng đài, bia và đền thờ danh nhân được huy động từ các nguồn vốn trong chương trình mục tiêu quốc gia là 20%, vốn ngân sách tỉnh, huyện, thành phố 30%, vận động nhân dân trong và ngoài tỉnh 50%. Nguồn vốn trùng tu, tôn tạo, xây dựng di tích lịch sử huy động từ các nguồn vốn trong chương trình mục tiêu quốc gia là 70%, vốn ngân sách tỉnh, huyện, thành phố 10%, vận động nhân dân trong và ngoài tỉnh 20%”.
(Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn)