Bến Tre: Định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
20/10/2020 | 09:48Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành du lịch (DL) tỉnh nhà đã có nhiều khởi sắc và phát triển. Đặc biệt là sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20-7-2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tăng lượng khách, doanh thu
Nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò của việc phát triển DL đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng được nâng lên. Cơ sở hạ tầng xã hội được tỉnh quan tâm đầu tư, đến nay cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và các nhà đầu tư tiếp cận đến các khu, điểm DL nằm trong vùng quy hoạch DL.
Cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; nguồn nhân lực phục vụ trong ngành DL được cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về DL nên chất lượng ngày càng được nâng lên theo hướng chuyên nghiệp.
Công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá DL được cơ quan quản lý nhà nước về DL và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh DL quan tâm thực hiện thường xuyên, luôn đổi mới về cách thức, phương thức, nội dung nên ngày càng thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước biết và đến tham quan DL tại Bến Tre.
Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL với các tỉnh, thành phố trên cả nước được tăng cường và ngày càng mở rộng. Đặc biệt là Chương trình liên kết, hợp tác phát triển DL của cụm duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình liên kết, hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đạt được nhiều kết quả tốt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ trong phát triển DL ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện và đạt hiệu quả cao.
Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng khách và doanh thu từ ngành DL đều tăng qua từng năm, bình quân lượng khách tăng 12 - 15%/năm, tổng thu từ hoạt động DL tăng 22 - 25%/năm.
Sự phát triển của DL đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Định hướng phát triển
Để DL tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành DL Bến Tre đã đặt mục tiêu: “Phát triển đa dạng các loại hình DL xứ Dừa dựa vào tiềm năng tự nhiên, văn hóa và con người. Phấn đấu đến năm 2020, tổng thu từ hoạt động DL tăng 22 - 25%/năm; tổng lượt khách DL tăng 12 - 15%/năm, đưa ngành DL của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; giá trị tăng thêm của ngành DL chiếm 8 - 10% GRDP của tỉnh”.
Muốn đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành DL Bến Tre tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Trước nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, những đặc thù và định hướng phát triển DL của tỉnh; đảm bảo sự thống nhất cao từ quan điểm, mục tiêu đến hành động; tạo ý thức giữ gìn, xây dựng văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, phát triển sản phẩm DL đặc trưng, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện, hướng đến mục tiêu mỗi người dân là một hướng dẫn viên DL để thu hút du khách, phát triển mạnh DL gắn với xuất khẩu hàng nông sản tại chỗ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thứ hai, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển DL đã được tỉnh phê duyệt như Đề án Làng Văn hóa DL Chợ Lách, Đề án Phát triển DL xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú... Trong đó, khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển DL tỉnh để tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển DL tỉnh đến năm 2030 đề làm cơ sở định hướng phát triển DL của tỉnh cho giai đoạn tiếp theo.
Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện đang áp dụng; đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp DL trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong bối cảnh hiện nay cả thế giới đang cùng chung tay chống dịch Covid-19. Nghiên cứu và tận dụng triệt để các cơ chế, chính sách của Trung ương, triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển DL, khai thác có hiệu quả tiềm năng DL của tỉnh, khuyến khích các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư tham gia phát triển các loại hình, sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách DL và các hoạt động sinh kế khác.
Ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất kỹ thuật, khu DL tỉnh và khu vực có tiềm năng DL, nhất là các địa bàn trọng điểm, có tiềm năng. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành DL, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng DL mới.
Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL: Tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, địa phương, kết hợp vốn Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình xây dựng nông thôn mới, từ các thành phần kinh tế... để xây dựng, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, động lực; nâng cao khả năng kết nối giao thông (thủy, bộ) tới các khu, điểm DL. Đầu tư các điểm dừng chân trên các tuyến DL đường bộ và đường thủy; đầu tư, nâng cấp, mở rộng, đẩy nhanh xây dựng mới bến tàu, cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dụng cho khách DL; cải thiện nhanh hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường thủy, đường bộ để phát triển DL, xây dựng bến tàu DL chung của tỉnh tại trung tâm TP. Bến Tre, các tuyến đường trên đê bao sông, đê biển, phát triển các bến thủy nội địa, cảng sông để phục vụ khách DL từ thị trường TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...
Đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành DL; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái DL thông minh; thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành DL, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng DL mới.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực DL theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập; có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực DL cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề DL, chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động lành nghề; đa dạng các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực DL; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ DL.
Thứ sáu, thường xuyên điều tra, nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách DL; xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách DL; phát triển đa dạng thị trường khách DL, trong đó đặc biệt quan tâm thị trường khách DL nội địa, tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham quan, DL, nghỉ dưỡng; thúc đẩy thị trường khách đi DL kết hợp với giáo dục truyền thống, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và sinh thái, trải nghiệm; mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu DL và hợp tác, hội nhập quốc tế về DL: Ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá DL, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả; định hướng và phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Huy động nguồn lực trong xúc tiến, quảng bá DL. Xây dựng thương hiệu DL Bến Tre trên cơ sở phát triển thương hiệu DL vùng, địa phương, doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm DL. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng DL văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách DL. Phát huy vai trò của Hiệp hội DL và các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến DL.
Thứ bảy, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành DL; phát triển DL thông minh và hệ sinh thái DL thông minh để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách DL. Ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ thống thống kê DL; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành DL, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về DL. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về DL từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách DL; tạo dựng môi trường DL văn minh, thân thiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DL.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trên sẽ góp phần thúc đẩy DL Bến Tre phát triển, sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tỉnh cần tập trung nghiên cứu xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ DL mới có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách DL dựa trên lợi thế về tài nguyên của tỉnh, của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của DL Bến Tre.
Phát triển mạnh các sản phẩm DL chủ đạo, có lợi thế của DL Bến Tre gắn với các khu vực động lực phát triển DL: sản phẩm DL sinh thái, DL cộng đồng, DL nghỉ dưỡng, DL nông nghiệp, sản phẩm DL văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống, DL vui chơi giải trí gắn với trải nghiệm và giáo dục, đặc biệt nghiên cứu xây dựng phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ DL về đêm…
Khai thác các giá trị từ cây dừa, phát triển các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương hướng đến phát triển DL xanh, bền vững. Xây dựng, đăng ký, bảo vệ, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Bến Tre. Xây dựng và phát triển sản phẩm DL đô thị, DL hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); DL kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm DL.