Bến Tre: Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
28/11/2022 | 15:35Qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những kết quả đạt được cho thấy có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp DL và người dân. Diện mạo ngành DL tỉnh Bến Tre đã có bước chuyển biến tích cực, cơ bản tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển DL theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 22-CTr/TU, Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 3706/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển DL tỉnh Bến Tre đến năm 2030, cùng các quy định, hướng dẫn mới về thực hiện Luật DL 2017 đã được triển khai quán triệt, phổ biến kịp thời và cập nhật thường xuyên. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về định hướng phát triển DL một cách đồng bộ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực DL được quan tâm tổ chức thường xuyên nên chất lượng dịch vụ và thái độ giao tiếp, phục vụ khách được cải thiện theo hướng “ứng xử văn minh, thân thiện, trách nhiệm, tôn trọng khách hàng” đã tạo được ấn tượng tốt đối với du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, tổ chức từ 5 - 7 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày và dài ngày nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng về DL cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước trong và ngoài ngành DL từ tỉnh đến cơ sở; đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành DL và cộng đồng dân cư có ý định hoặc có điều kiện làm DL.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và DL, từ năm 2017 đến nay, ngành đã tổ chức và phối hợp tổ chức 32 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về DL với sự tham gia của hơn 2.200 học viên.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực DL trên địa bàn tỉnh từng lúc được thực hiện theo chiều sâu, tổ chức các lớp dài ngày, chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho lao động trực tiếp ngành DL. Các huyện, thành phố, các đơn vị kinh doanh DL cũng đã chủ động trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL trên địa bàn, đơn vị. Đến nay, có khoảng 80% lao động trong ngành đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về DL. Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực DL từng lúc được nâng cao, hướng đến chuyên nghiệp.
Đầu tư hạ tầng du lịch
Tỉnh quan tâm thực hiện các dự án đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng DL. Đến nay, có 4/5 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng. Đối với các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh DL, tính đến nay có 29 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng, lũy kế đạt khoảng 1 ngàn tỷ đồng (đạt trên 30% so với tổng vốn đầu tư) đã và đang thực hiện.
Việc phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh DL đạt được kết quả khá tốt. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách DL có tăng về số lượng và chất lượng dịch vụ ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 26 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 19 doanh nghiệp lữ hành nội địa), 90 cơ sở lưu trú (trong đó có 18 homestay 1 khách sạn đạt chuẩn 5 sao, 1 resort 4 sao và các cơ sở lưu trú khác được thẩm định, xếp hạng sao theo quy định), với trên 1.600 phòng có sức chứa khoảng 3.200 khách cùng 54 khu, điểm DL, điểm đến tham quan DL được thẩm định. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh DL quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở kinh doanh; từng bước hình thành nhiều loại hình, sản phẩm DL, dịch vụ DL mang nét riêng có của vùng sông nước miệt vườn xứ Dừa.
Các loại hình, sản phẩm DL chính của tỉnh hiện đang khai thác, phục vụ du khách, gồm: DL gắn với tham quan di tích lịch sử - văn hóa, DL sinh thái, cộng đồng, DL làng nghề. Loại hình DL biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; DL nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, DL nông nghiệp công nghệ cao cũng được quan tâm chú trọng khai thác và phát triển, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa DL Chợ Lách, gồm các ấp: Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn) và An Hòa (xã Long Thới) của huyện Chợ Lách, nhằm hướng giới thiệu rõ nét không gian văn hóa Chợ Lách đến với du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh ưu điểm, thì một trong những hạn chế đã được ngành DL nhìn nhận là thực trạng hoạt động của các cơ sở kinh doanh DL của tỉnh hiện còn ở quy mô nhỏ và tự phát, vốn đầu tư, trình độ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn và tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh DL còn nhiều hạn chế. Điều này phần nào đã tác động đến chất lượng DL nói chung, chưa phát huy được sức mạnh nội lực của doanh nghiệp trong xúc tiến, quảng bá, tạo nên sức bật cho DL Bến Tre nói chung.
Bước sang giai đoạn mới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, ngành DL Bến Tre tiếp tục phát triển theo định hướng đề ra và phù hợp với xu thế chung của xã hội. Đặc biệt, ngành DL quan tâm khai thác giá trị từ cây dừa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, dựa trên nguồn tài nguyên bản địa, phát triển DL xanh, DL có trách nhiệm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nhà nước về DL và công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến DL, xây dựng và định vị thương hiệu “Du lịch xứ Dừa” cho DL tỉnh, lan tỏa sâu rộng về giá trị văn hóa, hình ảnh, thương hiệu DL xứ Dừa Bến Tre đến du khách trong và ngoài nước.
Thời gian qua, công tác liên kết cũng như xúc tiến, quảng bá DL của tỉnh được đặc biệt quan tâm cũng như đã phát huy hiệu ứng lan tỏa hình ảnh đất nước, ẩm thực, văn hóa con người Bến Tre đến cộng đồng dân cư trong và ngoài nước, thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Chính sách khuyến khích phát triển các dự án DL được tỉnh áp dụng thống nhất trong chính sách ưu đãi đầu tư chung của tỉnh, đã tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tỉnh tìm hiểu thông tin và triển khai thực hiện các dự án DL.