Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn

01/11/2024 | 14:31

Lạng Sơn nằm ở cửa ngõ phía Bắc Tổ quốc, là một địa phương tiêu biểu thuộc vùng văn hóa Đông Bắc Việt Nam. Trải qua thăng trầm lịch sử, Lạng Sơn hiện sở hữu kho tàng văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, chứa đựng nhiều nét độc đáo. Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn - Ảnh 1.

Nghi thức rước kiệu tại Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ năm 2024 (di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia)

Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất được hình thành trên đất nước Việt Nam đều có những sắc thái văn hóa với giá trị riêng, có khả năng bổ sung cho nhau để làm phong phú nền văn hóa Việt Nam. Với lịch sử hào hùng và nền văn hóa đa dạng, giàu giá trị, văn hóa Lạng Sơn vừa mang đặc trưng của văn hóa dân tộc, vừa mang đặc tính riêng có tạo nên sự khác biệt trong dòng chảy chung của văn hóa vùng Đông Bắc nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Tài nguyên văn hóa đặc sắc, đa dạng

Trước hết, nhắc tới văn hóa Lạng Sơn là nhắc tới văn hóa của các dân tộc hiện đang sinh sống tại đây với 7 dân tộc chính gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông. Mỗi dân tộc tập trung ở một số khu vực, địa bàn nhất định, tạo nên những bản sắc văn hóa riêng, thể hiện đặc trưng qua các phong tục, tập quán, dân ca dân vũ… Trong đó, cộng đồng người Tày, Nùng là nhóm cư dân bản địa, giữ vai trò quan trọng then chốt trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Lạng Sơn.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: Nói về người Tày, Nùng thì không chỉ riêng ở Lạng Sơn có mà dân tộc này còn phổ biến ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang... nhưng tập quán văn hóa và những sinh hoạt văn nghệ dân gian của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn đậm nét hơn, phong phú hơn và được thể hiện nổi trội hơn. Bởi khi nói đến hát sli, lượn hầu như mọi người đều nghĩ ngay đến người Tày, Nùng Lạng Sơn.

Với vị trí địa lý đặc biệt, là vùng đất cửa ngõ “phên giậu” của Tổ quốc, giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, cho nên các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đều có dấu ấn tại nơi đây. Những nơi mang dấu tích này vừa là di tích lịch sử nhưng lại đượm màu văn hóa với việc giáo dục lòng yêu nước, nhắc nhở các thế hệ sau về lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc như:  Ải Chi Lăng, khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn...

Song song với đó, Lạng Sơn còn sở hữu hệ thống đa dạng các danh lam thắng cảnh, các di tích tâm linh tín ngưỡng như núi Mẫu Sơn, chùa Tam Thanh, thành nhà Mạc, chùa Thành, đền Kỳ Cùng, đền Bắc Lệ... Hiện nay, toàn tỉnh có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 112 di tích lịch sử, 163 di tích kiến trúc nghệ thuật, 37 di tích khảo cổ, 23 di tích danh lam thắng cảnh.

Lạng Sơn hiện có 9 di sản đã được Bộ Văn hoá,Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ghi vào danh mục di sản văn hoá (DSVH) phi vật thể cấp quốc gia (trong đó phần lớn là những di sản của cộng đồng các dân tộc thiểu số; 2 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn - Ảnh 2.

Người Mông Đen xã Cao Minh, huyện Tràng Định truyền dạy nghề thêu truyền thống.

Từng bước khai thác, phát huy có hiệu quả

Trên cơ sở xác định rõ lợi thế so sánh, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực để gìn giữ và phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển kinh tế, du lịch, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế; tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: Những năm qua, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai các hoạt động để phát huy giá trị DSVH. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản pháp luật như: Luật Di sản văn hóa Việt Nam; nghị quyết về bảo tồn, phát huy DSVH của tỉnh cùng nhiều văn bản liên quan khác đến cộng đồng dân cư để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo tồn DSVH.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang tiến hành triển khai thực hiện gần 20 dự án, đề án bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình DSVH phi vật thể, tiêu biểu là các loại hình như: lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, các làn điệu dân ca truyền thống… Cụ thể, năm 2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 117 về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến khoảng 35,3 tỷ đồng; năm 2021, ban hành Quyết định số 741 về việc phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030”; năm 2022, ban hành Kế hoạch số 42 về thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng...

Các loại hình DSVH phi vật thể thường xuyên được lưu giữ, trao truyền và phát huy giá trị. Nhờ đó đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 9 di sản được Bộ VHTTDL ghi vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia (trong đó phần lớn là những di sản của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh); 2 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của người Tày, Nùng và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).

Kết nối với các loại hình DSVH phi vật thể là các loại hình DSVH vật thể đã được các cấp, ngành quan tâm bảo tồn và phát huy. Trong giai đoạn 2003 - 2023, đã có trên 250 lượt di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được quan tâm, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Đến nay, toàn tỉnh có 2 khu di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 31 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 108 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Công tác bảo tồn DSVH dân tộc được quan tâm đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo riêng biệt, thu hút du khách khi đến Lạng Sơn. Trong đó phải kể đến nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch thường xuyên được tổ chức hằng năm trên địa bàn tỉnh, từ năm 2016 đến nay, hàng loạt sự kiện văn hoá du lịch, lễ hội lớn đã được tổ chức thu hút đông đảo du khách như: tuần văn hóa - du lịch, lễ hội Hoa đào, lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ; lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Chi Lăng; ngày hội văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn; lễ hội mùa vàng Bắc Sơn…

Bên cạnh đó, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Với nhiều nỗ lực, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đây được coi là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVH đã góp phần tạo nên những thành tựu trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đồng bào vùng cao, vùng biên giới ngày càng được được cải thiện.

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×