Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế
06/12/2022 | 20:00Ngày 6/12, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế.
Đến tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế góp phần khẳng định văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Việc tổ chức hội thảo sẽ giúp ban tổ chức tận dụng các ý kiến khoa học, kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận tập trung vào những vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế. Trong đó, tập trung vào các vấn đề: Văn hóa Champa – một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc Văn hóa Huế; Các giá trị tiêu biểu của Văn hóa Champa và Phát huy hiệu quả Văn hóa Champa trong giai đoạn hiện nay.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, Thừa Thiên Huế là một trong những nơi còn lưu giữ, bảo quản số lượng lớn các di tích đền tháp, thành lũy, các tác phẩm điêu khắc, di vật, cổ vật, hiện vật… mang dấu ấn nền văn hóa Champa. Mặc dù bị phân tán ở nhiều đơn vị, địa phương khác nhau trên địa bàn tỉnh, nhưng chúng ta vẫn nhận diện được giá trị di sản văn hóa Champa rất độc đáo, đa dạng qua loại hình kiến trúc, nghệ thuật tạo hình và kỹ thuật chế tác. Giá trị và ý nghĩa của loại hình di sản văn hóa này đã và đang ngày càng được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa của cộng đồng.
TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho hay, hiện nay, hầu hết các di tích về Champa ở Thừa Thiên Huế đã trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt nên đã trở thành phế tích. Chính vì thế, vấn đề cần thiết là phải ưu tiên tập trung các nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay.
"Đối với các hiện vật Champa, tình trạng chung là đang do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, việc bảo quản có nhiều khó khăn tùy thuộc theo khả năng từng nơi đưa ra trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan. Do vậy, để bảo vệ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Champa trên địa bàn, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất việc quản lý hiện vật hiện nay do các tổ chức quản lý về một đầu mối", TS Phan Tiến Dũng đánh giá và đưa ra đề nghị.
PGS. TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, cần thiết nghiên cứu thành lập một bảo tàng văn hóa Champa đặt tại thành Hóa Châu cũng như xây dựng hồ sơ thành Hóa Châu là di tích quốc gia.
Được biết, từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, khu vực miền Trung hiện nay xuất hiện nhiều tiểu vương quốc, trong đó có Lâm Ấp – Champa (vùng Bắc Trung bộ ngày nay). Sự ra đời này được xem như là quá trình hội tụ và phát triển của văn hóa tiền – sơ sử Việt Nam mà trực tiếp là văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung. Thừa Thiên Huế là không gian một phần lãnh thổ vương quốc Champa trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ II đến đầu thế kỷ XIV (gần 12 thế kỷ), ở đây đã hình thành nên một di sản văn hóa đồ sộ.
Từ năm 1306, vùng châu Ô, châu Lý được nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Sự có mặt của người Việt ở vùng đất đã tạo tiền đề cho văn hóa Đại Việt ảnh hưởng mạnh hơn về phương Nam. Người Việt khi đến sinh sống, định cư ở vùng đất mới đã có lối sống ứng xử khôn khéo, tôn trọng, kế thừa và phát huy các thành tựu văn hóa mà cư dân Champa để lại.