Bảo tồn nghề chế tác đàn tính truyền thống của người Tày, Nùng Cao Bằng
13/11/2020 | 09:42Từ ngày 10 - 11.11, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Sở VHTTDL Cao Bằng tổ chức Lớp tập huấn, truyền dạy bảo tồn nghề thủ công truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng, với sự tham gia của 48 học viên là các nghệ nhân, học viên có năng khiếu, đam mê và tinh thần bảo tồn, gìn giữ, phát huy loại hình di sản phi vật thể hát Then - đàn Tính đến từ các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định số 3508/QĐBVHTTDL ngày 10.10.2013 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt Dự án “Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Quyết định số 1691/QĐ-BVHTTDL ngày 22.6.2020 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc tổ chức Lớp tập huấn truyền dạy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng, năm 2020.
Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho biết, các lớp tập huấn này được Bộ VHTTDL thường xuyên phối hợp với các địa phương nhằm mục đích bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trong thời kỳ đất nước CNH-HĐH, các nghề thủ công mang đặc trưng văn hóa tốt đẹp của các đân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, mất dần cần được giữ gìn và trao truyền cho thế hệ mai sau. Chính những nghề truyền thống và sản phẩm làm ra đã góp phần tạo nên bản sắc dân tộc, các sản phẩm này ngoài giá trị tiêu dùng còn chứa đựng giá trị văn hóa, chứa đựng kho tàng tri thức dân gian phong phú.
Thông qua lớp tập huấn, các nghệ nhân, học viên người dân tộc thiểu số được những nghệ nhân giàu kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, trang bị kiến thức và thực hành nghề thủ công, phổ biến lý thuyết sơ lược về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa của loại hình nghệ thuật hát Then - đàn Tính; giới thiệu về cây đàn Tính; phương pháp và thực hành chơi đàn Tính; những kiến thức cơ bản về giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống tiêu biểu của dân tộc Tày, Nùng. Các học viên tham gia tập huấn sẽ được đến nhà một số nghệ nhân tiêu biểu để tìm hiểu về quy trình chế tác đàn tính góp phần trao truyền nghề chế tác cây đàn tính, một loại nhạc cụ không thể thiếu trong mỗi dịp sinh hoạt tín ngưỡng hát Then trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng.
Việc mở lớp tập huấn lần này giúp cho các học viên nâng cao hiểu nhận thức, nắm bắt được các kỹ thuật, công đoạn chế tác cây đàn tính từ các nghệ nhân - những người nắm giữ tri thức dân gian thêm hiểu biết về vai trò của nghề thủ công truyền thống trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo được nguồn thu từ các sản phẩm gắn với phát triển du lịch, đồng thời bảo tồn lưu giữ được nghề thủ công truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, mất dần.
Từ mô hình này, hy vọng các địa phương cùng thực hiện, kết hợp bảo tồn gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, đảm bảo cho bản làng phát triển nghề một cách bền vững, phát huy được vai trò chủ thể văn hóa trong công cuộc giữ gìn, trao truyền cho thế hệ trẻ, tạo ra được sản phẩm văn hóa vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển cộng đồng, tạo được nguồn thu nâng cao đời sống cho bà con - Bà Huyền chia sẻ.
Nghệ nhân chế tác đàn tính Trương Văn Đức chia sẻ, từ bao đời nay, cây đàn tính không thể thiếu trong các làn điệu then, trong các lễ hội, hoạt động truyền thống văn hóa, văn nghệ, góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Hát Then - đàn Tính là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, vừa là một loại hình âm nhạc dân gian mà nội dung của nó phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hoài bão, nhằm hướng tới những điều bình an, tốt đẹp cho cuộc sống.
Vì thế, từ bao đời nay, người Tày, Nùng ở Cao Bằng luôn coi làn điệu Then như một báu vật tinh thần, nghệ thuật trình diễn hát Then - đàn Tính là di sản xứng đáng được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Đặc biệt là công tác bảo tồn vốn cổ về tư liệu sách, đạo cụ, trang phục; phát huy vai trò trao truyền của nghệ nhân; đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở các xã, phường, thôn bản, các trường học; tổ chức tập huấn hạt nhân văn nghệ cơ sở…
Việc Bộ VHTTDL phối hợp với Sở VHTTDL Cao Bằng tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại Cao Bằng, chính là dịp để những người thế hệ chúng tôi - những chủ thể văn hóa có cơ hội trao truyền cho lớp trẻ một cách hệ thống, bài bản những giá trị độc đáo của nghề chế tác đàn tính, loại nhạc cụ gắn liền với nghệ thuật trình diễn hát Then đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao ý thức gìn giữ các phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc.