Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa Lâm Đồng

28/06/2019 | 18:03

Tại Lâm Đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng vừa phối hợp cùng Sở VHTTDL, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa tại Lâm Đồng".

Bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa Lâm Đồng - Ảnh 1.

Dân tộc thiểu số tỉnh Lâm đồng. Ảnh: lamgong.gov.vn

Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em, trong đó các tộc người bản địa gồm Mạ, K'Ho, Churu, M'Nông chiếm 17% dân số; hơn 70% là người Kinh và 13% là các dân tộc khác từ nhiều vùng miền trong cả nước đến đây lập nghiệp. Cùng với việc triển khai các chính sách về kinh tế, tỉnh đã quan tâm tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Lâm Đồng: Ngành Văn hóa đã mở 52 lớp truyền dạy cồng chiêng ở các địa phương có đông bào Mạ, K'Ho, Churu sinh sống; tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: nghi lễ Nhô Wèr của người K'Ho Srê ở Di Linh, hệ thống nghi lễ nông nghiệp của người Mạ ở Lộc Bắc - Bảo Lâm, lễ Pơ-thi (bỏ mả) của người K'Ho ở Đức Trọng, người Churu ở Đơn Dương... ; tiến hành sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể: dân ca, truyện cổ, phong tục; đầu tư bảo tồn nghề thủ công truyền thống, tín ngưỡng, tri thức dân gian; đưa di sản văn hóa vào phục vụ du lịch.

Tuy nhiều giải pháp đã được đưa ra để nhằm khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa trên địa bàn nhưng trong quá trình giao lưu văn hóa nhiều giá trị văn hóa đang dần mất đi. Ngày nay đến các buôn làng rất ít bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ngồi dệt, vắng đi tiếng cồng chiêng trong các nghi lễ của gia đình, dòng họ; vai trò của già làng cũng nhạt dần trong các mối quan hệ cộng đồng... Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chưa tương xứng với mức đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống văn hóa ở nhiều thôn, tổ dân phố còn khá nghèo nàn, đơn điệu, mức độ hưởng thụ văn hóa giữa các vùng còn chênh lệch. Một số biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của các cấp chính quyền còn mang tính hình thức, chưa đi vào đời sống thực của người dân, chưa trở thành hoạt động tự thân của cộng đồng nên thiếu tính bền vững…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đi sâu phân tích làm rõ thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc bản địa. 13 tham luận và nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý là bức tranh về thực trạng văn hóa các dân tộc bản địa, những cứ liệu xác thực, những giải pháp đầy trăn trở mong níu giữ, bảo tồn các giá trị văn truyền thống một cách bền vững, đặc biệt là việc bảo tồn ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết của đồng bào.

Các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh viện thực hiện đường lối của Đảng về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan, thì cần phải giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đó là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đời sống đương đại; nếu chỉ bảo tồn mà không khai thác sẽ gây lãng phí, hạn chế phát huy giá trị; nếu chỉ phát huy mà không bảo tồn thì sẽ gây hủy hoại. Di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của cuộc sống đương đại. Vì thế cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu, thợ nghề, nghệ nhân, những người bảo vệ di sản ở cơ sở.

Lan Phạm (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×