"Bảo tàng Lịch sử TP. HCM – 90 năm hành trình ký ức"
24/08/2019 | 14:04Ngày 23/8, Bảo tàng Lịch sử TP. HCM đã tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập và khai mạc triển lãm chuyên đề "Bảo tàng Lịch sử TP. HCM – 90 năm hành trình ký ức".
Ảnh: Bảo tàng lịch sử HCM
Triển lãm với gần 200 hiện vật tiêu biểu được trưng bày giới thiệu đến công chúng về ba giai đoạn hình thành và phát triển của Bảo tàng.
Theo đó, giai đoạn 1 (1929-1956) của chuyên đề giới thiệu các nhóm hiện vật bằng ngà gồm vật trang trí và con dấu, nhóm hiện vật bằng đá quý, gốm, thủy tinh; các nhóm tượng Phật của Nhận Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan…
Giai đoạn 2 (1956-1975) giới thiệu các hiện vật do Viện Harvard-Yenching và Bảo tàng Peabody (Washington, Hoa Kỳ) tặng năm 1962, đặc biệt là hai chiếc mũ đã được phát hiện qua khai quật khảo cổ từ trước năm 1975, được xác định là của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong – em trai Tả quân Lê Văn Duyệt ở Phú Nhuận và của Thiên vương Thống chế tại Biên Hòa.
Giai đoạn 3 (1975 đến nay) giới thiệu các nhóm hiện vật gồm: Sưu tập ấn đồng, đèn gốm, gốm Chu Đậu, tượng thờ Việt Nam… Bên cạnh đó, chuyên đề cũng trưng bày gần 50 tư liệu và hình ảnh quý gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng.
Đến với Bảo tàng Lịch sử, quý khách sẽ được quan chiêm vẻ đẹp của Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử - một kiến trúc cổ do người Pháp xây dựng gần một thế kỷ (1929) mang đặc trưng phong cách "Đông Dương cách tân". Chỉ cần 365 bước chân dạo quanh Bảo tàng Lịch sử, du khách có thể đi suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam, tìm hiểu về đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam thông qua hệ thống các phòng trưng bày cố định và chuyên đề đặc biệt. Bộ sưu tập chọn lọc từ trên 43.000 tư liệu, hiện vật của Bảo tàng, trong đó có 12 bảo vật quốc gia được giới thiệu tại các phòng trưng bày sẽ là những món quà tri thức lịch sử- văn hóa vô giá.
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực cung cấp cho du khách nhiều hơn những trải nghiệm văn hóa giải trí và thông tin. Các bộ sưu tập lớn của bảo tàng sẽ được trình bày trong các màn hình chạm tại các phòng trưng bày cố định và trình chiếu trong phòng media của bảo tàng. Các cuộc trưng bày chuyên đề đặc biệt và các chương trình giáo dục thú vị cho trẻ em sẽ được xây dựng và làm mới. Ngoài ra, bảo tàng đã và đang tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, trưng bày và dịch vụ tốt hơn, để phục vụ cho nhu cầu thưởng lãm, học tập và giải trí của du khách.
Những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử tham gia nhiều cuộc trưng bày lớn ở nước ngoài: Áo, Bỉ, Hàn Quốc, Mỹ…để quảng bá văn hóa Việt Nam ở các nơi khác trên thế giới. Những cuộc trưng bày này giúp tăng khả năng quảng bá di sản văn hóa Việt Nam trên khắp thế giới, đồng thời cho thế giới tiếp cận được các giá trị di sản văn hóa riêng biệt từ các nền văn minh đa dạng. Những nỗ lực trong hội nhập với văn hóa thế giới của Bảo tàng Lịch sử cũng không ngoài mục đích bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước xu hướng toàn cầu hóa.
Bảo tàng Lịch sử sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của mình với tư cách là một tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục, điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch di sản, và trở thành một bảo tàng mà tất cả du khách đều có thể có được những trải nghiệm đầy ý nghĩa.
Dịp này, Bảo tàng Lịch sử TP. HCM cũng tiếp nhận nhiều hiện vật quý từ các tổ chức và các nhà sưu tầm tư nhân trao tặng. Bảo tàng hiện đang lưu trữ 43.000 hiện vật, trong đó có 12 bảo vật quốc gia.