Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức hội thảo về Khu di tích Chi Lăng, Lạng Sơn

10/04/2019 | 16:10

Sáng 10/4, tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp tổ chức hội thảo về Khu di tích Chi Lăng, Lạng Sơn - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: btlsqsvn.org.vn

Hội thảo do Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Chi Lăng phối hợp tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, khảo cổ, chuyên gia sử học, văn hóa trong cả nước.

Khu di tích Chi Lăng gồm 52 điểm di tích trải dài khoảng 15km dọc theo thung lũng sông Thương – bắt đầu từ địa phận Sông Hoá đến giáp xã Mai Sao (km 100 đến km 115 quốc lộ Hà Nội – Lạng Sơn), chủ yếu thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang của huyện Chi Lăng. Đây là khu di tích lịch sử ghi dấu chiến thắng chống Tống (thế kỷ XI), chiến thắng chống quân Nguyên (thế kỷ XIII), chống Pháp cuối thế kỷ 19 – đặc biệt là chiến thắng Chi Lăng ngày 10/10/1427 tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân tinh nhuệ do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần quyết định kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh 20 năm của dân tộc. Chiến thắng Chi Lăng năm 1427 đã đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước và trở thành biểu tượng chiến thắng, tượng trưng cho hào khí dân tộc Việt Nam. 

Là nơi in đậm dấu tích chiến công hiển hách của dân tộc, khu di tích Chi Lăng đã sớm được quan tâm gìn giữ những tài sản văn hoá quý giá của đất nước. Ngày 26/4/1962, Khu di tích chiến thắng Chi Lăng đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu - khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Tỉnh Lạng Sơn đã xác định công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một nhiệm vụ quan trọng; đồng thời, phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035", xác định nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo đồng thời phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với phát triển du lịch.

Với 25 bài tham luận và báo cáo khoa học chất lượng, hội thảo khoa học "Khu di tích lịch sử Chi Lăng – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy" tập trung vào 03 chủ đề, gồm: Khu di tích Chi Lăng – giá trị lịch sử, văn hóa; Hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chi Lăng; Khai thác những giá trị đặc sắc để phát triển du lịch bền vững.

Thông qua các tham luận và báo cáo khoa học, hội thảo đã đóng góp nhiều tư liệu nghiên cứu để làm rõ giá trị lịch sử, vai trò của vùng đất Chi Lăng nói chung và Khu di tích lịch sử Chi Lăng nói riêng trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước qua nhiều thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là việc xây dựng hồ sơ khoa học để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu di tích lịch sử Chi Lăng là Di tích Quốc gia đặc biệt./.

Anh Vũ (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×