Bảo tàng Bến Tre giữ gìn nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử
24/11/2022 | 10:37Khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn di sản văn hóa (DSVH), ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 về “Đông phương Bác cổ học viện” với nội dung “việc bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Từ năm 2005 trở đi, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 36 lấy ngày 23-11 hàng năm là Ngày DSVH Việt Nam. Cùng với Hội DSVH tỉnh, Bảo tàng Bến Tre đã có những đóng góp tích cực về việc bảo tồn và phát huy nhiều giá trị DSVH, lịch sử tỉnh nhà.
Nhiều hoạt động thiết thực
Thời gian qua, Bảo tàng Bến Tre là một trong những “địa chỉ đỏ” phục vụ các đoàn khách, các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2022, các di tích, trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu mở cửa phục vụ hơn 75 ngàn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu.
Bảo tàng Bến Tre đã triển khai rất nhiều hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH, lịch sử tỉnh nhà. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Thanh Lâm cho biết: Trong năm, Bảo tàng đã thực hiện nhiều nội dung, trong đó, trưng bày hơn 60 hình ảnh và hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông tại Nhà Dừa Bảo tàng Bến Tre. Trưng bày “Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp” phục vụ lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Triển lãm ảnh chủ đề “Bác Hồ với biển đảo Việt Nam và Công dân Đồng Khởi năm 2021 và năm 2022” tại di tích chùa Tuyên Linh nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2022). Triển lãm truyện Lục Vân Tiên trên lịch tại khuôn viên Bảo tàng.
Đồng thời, Bảo tàng còn thực hiện 2 chương trình giáo dục trải nghiệm gồm: phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu và Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Liêm (Ba Tri) tổ chức chương trình Hành trình văn hóa. Phối hợp với Trường THCS Hoàng Lam tổ chức chương trình giáo dục “Em làm người nông dân” tại Bảo tàng Bến Tre...
Bảo tàng cũng đã hỗ trợ trưng bày tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu “Tự hào ngôi trường mang tên Nguyễn Đình Chiểu”. Phối hợp triển lãm về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại các tỉnh Long An, TP. Hồ Chí Minh và Huế trong chương trình “Hành trình theo bước chân Cụ Đồ”. Chỉnh lý trưng bày tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định phục vụ lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của bà. Tổ chức sinh hoạt định kỳ của các chi hội DSVH đờn ca tài tử Nam Bộ do Bảo tàng Bến Tre phối hợp với Hội DSVH tỉnh tại không gian văn hóa Nhà Dừa vào ngày 30 hàng tháng.
Lưu giữ tư liệu quý
Bên cạnh công tác bảo quản hiện vật hiện có, Bảo tàng tỉnh cũng đã tích cực tìm kiếm các nguồn tư liệu mới, vận động các nhân chứng lịch sử, các tầng lớp nhân dân hiến tặng các hiện vật, tư liệu, hình ảnh văn hóa, lịch sử... góp vào nguồn tư liệu Bảo tàng thêm phong phú. Trong năm, Bảo tàng đã sưu tầm 797 hiện vật, tư liệu, hình ảnh bổ sung vào sưu tập hiện vật, làm 332 lý lịch hiện vật, scan 180 quyển sách tư liệu...
Hội DSVH tỉnh đã Đại hội thành lập vào ngày 4-9-2012, đến nay qua 2 kỳ đại hội. Cùng với cơ quan chức năng quản lý và hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh, Hội DSVH tỉnh có những đóng góp thiết thực, làm hạt nhân nòng cốt vận động nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị DSVH.
Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Nguyễn Quang Trị cho biết, một trong những hoạt động nổi bật của hội là góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử như: Tổ chức giao lưu định kỳ vào đêm 30 dương lịch mỗi tháng tại Nhà Dừa, giao lưu với các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh, thu hút đông đảo lực lượng tham gia cùng sự quan tâm của nhiều tổ chức xã hội. Hội cũng đã thành lập Câu lạc bộ Hát sắc bùa Phú Lễ, nhiều năm nay đã thực hành tốt nghi thức diễn xướng, trình diễn giới thiệu về nghệ thuật Hát sắc bùa Phú Lễ.