Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Báo cáo quá trình chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia

28/11/2012 | 14:24

(VP) – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 4195/BVHTTDL-DSVH ngày 26/11 gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng báo cáo quá trình chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Theo báo cáo, sau khi Bộ Xây dựng hoàn thành việc chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, gửi các Bộ ngành liên quan thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có các ý kiến nhiều chiều về việc nên hay chưa nên thực hiện Dự án vào thời điểm hiện nay. Với vai trò là cơ quan phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc chuẩn bị dự án xây dựng kiến trúc ngôi nhà bảo tàng và là cơ quan chủ trì việc chuẩn bị nội dung, hình thức trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bộ VHTTDL báo cáo một số vấn đề có liên quan đến quy trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện cũng như quan điểm về xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Về quy trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện, Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã thành lập Ban nghiên cứu lập Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, triển khai nghiên cứu; tập hợp tài liệu; kiểm kê, đánh giá tài liệu, hiện vật; sưu tầm bổ sung tư liệu mới; khảo sát các bảo tàng trong và ngoài nước; tổ chức Hội thảo xin ý kiến và hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg ngày 19/2/2006, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hoá-Thông tin xây dựng nội dung chi tiết và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Bộ Xây dựng làm Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ việc xây dựng công trình thông qua tổ chức thi tuyển quốc tế và thiết kế kiến trúc công trình. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2006 đến năm 2012.

Về quan điểm xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bộ VHTTDL cho rằng, trên thế giới, hầu hết các nước đều có Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu về lịch sử đất nước liên tục từ quá khứ tới hiện tại. Ở Việt Nam, hai Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam được thành lập, nhưng lịch sử phát triển liên tục của đất nước ta lại được giới thiệu thành hai phần tách biệt, ở hai bảo tàng khác nhau, trên một diện tích rất hẹp (2,3ha) do đó việc xây dựng mới Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đại, quy mô lớn là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, Bảo tàng không chỉ là cơ quan nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu khoa học; lưu giữ và trưng bày, giới thiệu về lịch sử, văn hoá mà còn được coi là trung tâm thông tin về di sản lịch sử-văn hoá; là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng và là một thiết chế văn hoá có điều kiện thuận lợi để công chúng tiếp cận với những thành tựu mới nhất về những sáng tạo, phát minh, sáng chế, sáng kiến khoa học-công nghệ, văn hoá-xã hội của đất nước; gắn bảo tàng với đời sống sôi động của xã hội, góp phần trực tiếp vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần có sự đổi mới căn bản về nội dung, phương pháp, kỹ thuật trưng bày và các hình thức hoạt động và kinh phí dành cho xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần được đầu tư thoả đáng.

Hiện nay, Bộ VHTTDL đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung mọi nỗ lực triển khai chuẩn bị nội dung và hình thức trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia để phối hợp với Bộ Xây dựng, thực hiện quy trình xây dựng và trưng bày Bảo tàng đảm bảo yêu cầu đồng bộ, khoa học, chất lượng và hiệu quả.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×