Ban tổ chức Lễ hội Đền Trần 2020: Sẽ không có hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa
11/01/2020 | 14:12Chiều 10/1, UBND TP Nam Định đã tổ chức Họp báo thông tin về Lễ hội Khai ấn Đền Trần xuân Canh Tý năm 2020.
Lễ Khai ấn diễn ra đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Đền Trần, Phường Lộc Vượng, TP Nam Định là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao nhằm phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc; đồng thời thu hút khách thập phương về dự lễ hội kết hợp tham quan du lịch Nam Định, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh và TP ngày càng phát triển.
Theo BTC lễ hội Đền Trần, thời gian quản lý Lễ hội năm nay từ ngày 25/1- 22/2/2020 (tức ngày 1- 29 tháng Giêng năm Canh Tý). Thời gian diễn ra Lễ hội từ ngày 4/2-9/2/2020 (tức ngày 11-16 tháng Giêng năm Canh Tý).
Lễ hội sẽ tiếp tục có các hoạt động như Lễ rước kiệu Ngọc Lộ; Lễ rước nước, tế cá; Lễ dâng hương; Khai ấn; Hồi kiệu; Tế Thượng nguyên Tế tiên tổ Triều nhà Trần…
Ngoài ra, trong các ngày diễn ra lễ hội, sẽ có những hoạt động hội truyền thống như múa lân sư rồng; hát chèo; chầu văn; thi đấu cờ người; đấu vật; biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn Đền Trần…
Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng BTC Lễ hội Đền Trần 2020 cho biết: Phát huy những mặt tốt đã làm được trong mùa lễ hội 2019, năm nay, BTC tiếp tục triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh, vệ sinh thực phẩm…. đảm bảo Lễ hội diễn ra tốt đẹp, không còn hình ảnh thiếu văn hóa, phản cảm.
BTC cũng thông tin, năm nay, có 30 vạn cánh ấn được phát ra, đảm bảo nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương về với lễ hội Đền Trần ai cũng có lộc ấn đầu xuân.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc giữ an ninh trật tự, tình trạng quản lý việc vứt tiền lẻ vào kiệu ấn trong đêm khai ấn, bà Phạm Thị Oanh cho biết, các phương án an ninh, trật tự đã được cơ quan chức năng triển khai chu đáo. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, an ninh, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân tham gia lễ hội vẫn luôn được UBND TP Nam Định, BTC lễ hội thực hiện triển khai.
Năm nay, 16 camera cũng được tiếp tục lắp tại khu vực lễ hội. Bà Phạm Thị Oanh cho biết: "Sau 2 năm thực hiện việc lắp camera tại lễ hội, cho thấy đây là việc làm rất hiệu quả. Tình trạng trộm cắp, móc túi, hiện tượng thiếu văn hóa giảm rất nhiều. Các vụ việc như sư giả danh, ăn xin… vừa xuất hiện thì lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý rất nhanh. Cũng nhờ trích xuất camera mà họ không thể chối cãi được".
Cũng theo bà Phạm Thị Oanh, trong hai năm qua, chưa phát hiện trường hợp nào là cán bộ, công chức, viên chức của UBND TP Nam Định, tỉnh Nam Định có hành vi thiếu văn minh khi tham gia lễ hội Đền Trần. UBND TP Nam Định thống nhất, nếu phát hiện sẽ có văn bản gửi đến đơn vị đó xem xét kỷ luật, không xếp loại cuối năm.
Khẳng định lễ hội Đền Trần là lễ hội của nhân dân, bà Phạm Thị Oanh cho biết, cộng đồng dân cư tham gia hoàn toàn vào các nghi lễ chính, đặc biệt 3 nghi lễ chính đêm khai ấn do 100% các cụ cao niên là nhân dân phường Lộc Vượng và tổ từ Đền Trần thực hiện. "Lãnh đạo, công chức chỉ thực hiện nghi lễ dâng hương, lễ hội Đền Trần là lễ hội của nhân dân, không phải là lễ hội của quan chức"- Bà Phạm Thị Oanh khẳng định.
Trong 3 năm trở lại đây, lễ hội Đền Trần không phục dựng nghi thức mới. BTC cho biết, theo nghiên cứu, trong nghi thức lễ hội Đền Trần còn nghi lễ rước kiệu từ đình từng thôn về tập trung làm lễ tại Đền Thiên Trường nhưng chưa làm được do chưa có kinh phí và phục dựng điệu múa Bài Bông.
Bà Phạm Thị Oanh cho biết, việc phục dựng điệu múa Bài Bông cần huy động lực lượng tham gia vài trăm người chủ yếu là thanh niên, chủ yếu là các cháu học sinh cấp 3 nên còn khó khăn vì vướng lịch học tập của các cháu. BTC không thể thuê đoàn nghệ thuật vì mục tiêu của lễ hội phải là nhân dân, lễ hội của nhân dân. Cũng theo bà Phạm Thị Oanh, hy vọng trong mùa lễ hội sau, khi hoàn thiện việc xây dựng Khu Trung tâm lễ hội Đền Trần, có không gian, quảng trường của Trung tâm sẽ triển khai được việc phục dựng điệu múa Bài Bông trong khuôn khổ lễ hội./.