Bàn tay vàng làng đá mỹ nghệ chia sẻ về vẻ đẹp uy nghi của Rồng
15/02/2024 | 08:36Trong số 12 con giáp, Rồng là linh vật được các nghệ nhân điêu khắc nhắc đến nhiều và cũng nhiều tác phẩm được người dân sử dụng nhất.
Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình) đã có từ lâu đời. Theo các cụ cao niên kể lại, vị tổ nghề đá ở Ninh Vân người gốc Thanh Hóa (làng Nhồi) là một thợ chế tác đá tài giỏi thời trẻ di cư ra đây, làm rể của làng, lập nghiệp rồi truyền dạy nghề này cho dân địa phương.
Trải qua bao nhiêu đời, tuy có những giai đoạn tưởng chừng "xóa sổ" nghề này do bối cảnh xã hội nhưng vẫn còn người dân địa phương giữ lại nghề truyền thống và phát huy.
Vẻ đẹp uy nghi của Rồng
Chúng tôi đến với xưởng đá mỹ nghệ của nghệ nhân trẻ Dương Minh Trung, sinh năm 1998, ở thôn Thượng, xã Ninh Vân.
Tại xưởng của anh Trung lúc này vẫn còn một số tác phẩm điêu khắc hình Rồng do khách đặt chưa kịp lấy, với đủ các hình dáng kích thước khác nhau.
Nghệ nhân trẻ cho hay, trong tứ linh, Rồng là loài vật được nhắc đến đầu tiên với nhiều ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Người ta có thể chạm khắc gỗ hoặc đổ khuôn xi măng hình rồng để trang trí đình chùa, nhà thờ họ hay lăng mộ nhưng lý tưởng nhất vẫn là những tác phẩm được chế tác từ đá tự nhiên.
Theo anh Trung, không biết từ bao giờ nhưng có lẽ Rồng xuất hiện nhiều nhất ở các đình chùa, và các chi tiết trang trí tại cổng tam quan và phần quan trọng nhất trong kiến trúc đình chùa truyền thống thì không thể thiếu hình dáng Rồng.
Rồng chạm khắc tại đình chùa được chế tác hết sức tinh xảo, cầu kỳ tạo nên vẻ đẹp vừa hoành tráng, vừa uy nghi
Phía bên trong đình chùa, rất nhiều chi tiết, hoa văn Rồng xuất hiện trên trên chiếu Rồng đá. Hình ảnh Rồng tại đây có đường nét mỹ miều, uốn lượn cực kỳ mềm mại, hòa quyện sắc sảo, độc đáo. Hạng mục được đặt chính giữa lối cầu thang từ dưới sân lên khu thờ tự. Chiếu Rồng đá phong thủy xua đuổi tà ma và các vong hồn xấu. Đó là tác phẩm nghệ thuật thể hiện sức mạnh, quyền lực đồng thời cũng ẩn chứa giá trị tâm linh sâu sắc.
Ngoài ra, mái đình, chùa, bình phong, bậc thềm cũng có thể chạm khắc Rồng mây đá.
Nhiều năm trở lại đây, các công trình tư nhân cũng đã xuất hiện nhưng chủ yếu ở các nhà tổ và không thể thiếu trong cuốn thư đá, chiếu đá, lan can …
Hình rồng trong những công trình này thường được cách điệu, biến tấu như: Mây hóa Rồng, cá hóa Rồng, lá hóa Rồng, mai hóa Rồng hay trúc hóa Rồng, …
Khát khao lưu giữ nghề truyền thống
Dẫn chúng tôi vào một số khu đình cổ của làng để tận mắt chiêm ngắm những bức phù điêu và tượng rồng có độ tuổi nhiều trăm năm, anh Trung giới thiệu, đây là tác phẩm được các cụ truyền tai lại có khoảng 4 trăm năm trước.
Nhìn vào bức tượng này, nghệ nhân trẻ lắc đầu thán phục độ tinh xảo và đầy hồn cốt.
"Theo tôi, từ thời khai hoang dựng nước, ông cha ta đã có truyền thuyết con rồng cháu tiên. Rồng là linh vật trong bộ tứ linh Long – Ly – Quy – Phụng. Rồng là biểu tượng cho sức mạnh uy lực nên các cụ ngày xưa tự lấy cảm hứng chân thật của con Rồng rồi vẽ ra. Và hình tượng con Rồng được lấy cảm hứng rất nhiều con vật như đầu sư tử, râu cá trê, tai trâu, bờm ngựa, sừng hươu , chân thú, móng chim. Theo như người trong nghề tôi tìm hiểu thì, Rồng qua các triều đại lại có sự thay đổi về phong cách, hình dáng".
Nghệ nhân trẻ cảm nhận về nghề: "Thời nay việc điêu khắc ra một tác phẩm có hồn và chân thật như Rồng thật rất khó. Bởi vì được đục đẽo qua một viên đá, có những chi tiết rất bé của con Rồng, rất khó để miêu tả trên viên đá. Đá thời nay cũng rất cứng và ròn, nếu đục chi tiết bé quá sẽ vỡ những chi tiết đó", anh Trung cho rằng, qua mỗi thời kỳ tác phẩm được các nghệ nhân lấy cảm hứng, kết hợp mẫu Rồng và tự sáng tạo nên dần dần Rồng có sự khác biệt rồi tồn tại.
Nghệ nhân chia sẻ: "Tôi khao khát được cống hiến cho nghề và giữ nghề truyền thống, muốn có tác phẩm để đời nhưng thật sự khó vì ngày nay đa số xu thế chạy theo thì trường".
Nhìn những tác phẩm hình Rồng rất đẹp mắt, nhưng anh Trung vẫn không ngần ngại chia sẻ công nghệ đục đẽo chế tác các sản phẩm từ đá hiện nay đã thay đổi rất nhiều do máy móc thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, nếu muốn gìn giữ bản sắc nghề truyền thống từ lâu đời và phát triển lâu dài thì nhất thiết phải có bàn tay con người mới điều khiển được.
"Máy móc hiện đại cho năng suất cao, ví dụ như vận chuyển, nâng hạ, tạo thô, máy cắt CMC chỉ tạo được các đường cơ bản, nhưng tỉ mỉ từng chi tiết thì nhất thiết phải dùng đến bàn tay con người thì sản phẩm mới thật và mới đẹp mắt", anh Trung chia sẻ.
Bàn tay vàng trong làng đá mỹ nghệ
Nghệ nhân Dương Minh Trung xuất sắc trong cuộc thi "Bàn tay vàng" chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Bình 2020 và đạt giải cao nhất khi mới 22 tuổi.
Nghỉ học từ khi hết lớp 9, Trung đi theo người anh họ làm nghề đá mỹ nghệ ở làng. Đi làm thuê, thanh niên trẻ không chịu ngồi một chỗ, ban đầu cầm cái búa cũng khó, trong lúc đục đẽo liên tục bị trượt vào tay. Vì nghĩ đến gia đình không có kinh tế nên quyết tâm thoát nghèo, Trung vừa làm thuê vừa đi tìm những người thợ giỏi để học hỏi kinh nghiệm rồi về gia đình mở doanh nghiệp riêng sau đó chỉ vài năm làm thợ.
Nghệ nhân bàn tay vàng cho biết, tại cuộc thi năm 2020, đề bài chung mà ban tổ chức đưa ra là bức phù điêu "Bông hoa cúc".
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cho hay, Dương Minh Trung là công dân trẻ xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.
Theo ông Diệu, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân được lưu giữ theo kiểu "cha truyền con nối", nhiều gia đình có đến 6,7 thế hệ làm nghề chế tác đá.
Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cho biết thêm, toàn xã hiện có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ, trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống.
Ninh Vân có khoảng 1.000 lao động chuyên làm nghề, trong đó có khoảng 50 người có trình độ cao. Ngoài ra, làng nghề còn thu hút lực lượng lao động thời vụ từ nhiều địa phương khác.
Theo thống kê, giá trị sản xuất từ nghề đá hàng năm chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất của xã Ninh Vân. Điều này đã cho thấy vai trò to lớn của nghề đá mỹ nghệ với đời sống người dân địa phương.