Bài 1: Tour giá rẻ, tour 0 đồng - Cái nhìn toàn cảnh
31/05/2018 | 11:00Những năm gần đây, thi thoảng dư luận lại rộ lên về các tour giá rẻ tại Việt Nam. Bản chất của vấn đề tour giá rẻ nằm ở đâu với những mặt tích cực và hạn chế nào?. Nhóm phóng viên xin cung cấp một số thông tin nhằm góp phần mang lại cái nhìn toàn cảnh về hình thức du lịch này.
Khách Trung Quốc chi tiêu bình quân khoảng 790 đô la/chuyến đi Việt Nam
Thống kê cho hay, Trung Quốc là thị trường gửi khách số 1 thế giới về số lượng khách và khả năng chi tiêu. Năm 2016, đã có 135 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, tăng 6% so với năm 2015, chi tiêu đạt 261 tỉ đô la, chiếm 21% tổng chi tiêu của khách du lịch quốc tế toàn cầu.
Một con số thống kê khác cũng cho hay, 5 điểm đến hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc năm 2017 là Thái Lan: 9,5 triệu lượt, Nhật Bản: 7,4 triệu lượt, Hàn Quốc: 4,17 triệu lượt; Việt Nam: 4 triệu lượt và Indonesia là 2,06 triệu lượt.
Khách du lịch đến Quảng Ninh đang tăng rất nhiều. Ảnh: laodong.vn
Giờ đây, cạnh tranh điểm đến để đón khách du lịch Trung Quốc giữa các quốc gia hết sức khốc liệt, nhất là tại khu vực châu Á và Đông Nam Á.
Một đặc điểm nổi bật của khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài là thường đi theo các đoàn lớn, qua các công ty lữ hành gửi khách với tour du lịch giá rẻ, tour giá cạnh tranh. Khách qua đường hàng không chiếm tỷ lệ khoảng 70% tổng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam và lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam theo các chuyến bay thuê bao (charter) ngày càng tăng lên.
Các điểm đến: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, TP. HCM là những địa bàn đón khách Trung Quốc chủ yếu.
Một thông tin khác từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch cho hay, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình khoảng 790 đô la cho một chuyến đi Việt Nam và có xu hướng tăng lên, trong đó khoảng 32% chi cho lưu trú.
Tại sao có tên gọi tour giá rẻ?
Theo các công ty lữ hành, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch thường gồm hai phần: chi cho tour du lịch (bao gồm chi tiêu tối thiểu để đến một điểm du lịch gồm vé máy bay- vận chuyển quốc tế và dịch vụ mặt đất như ăn uống, lưu trú, đi lại, hướng dẫn viên…) và chi tiêu ngoài tour.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về điểm đến và giữa các nhà cung cứng dịch vụ, xu thế cạnh tranh bằng tour giá rẻ trở nên phổ biến và tìm kiếm giải pháp bù đắp bằng tăng chi tiêu ngoài tour của khách du lịch.
Tour giá rẻ hay tour 0 đồng thực chất là cách bán hàng cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành.
Trong đó, phần dịch vụ mặt đất tại điểm đến được bán cho khách với giá bằng hoặc thấp hơn hoặc thậm chí bằng 0 so với chi phí thực tế công ty lữ hành tổ chức tour cho khách.
Với tour giá rẻ, khách du lịch chấp nhận vào một số điểm mua sắm hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí ngoài tour theo chương trình tại điểm đến.
Những chi tiêu ngoài tour này là nguồn thu chủ yếu bù lại chi phí tổ chức của công ty lữ hành. Do vậy, tour giá rẻ thường chỉ áp dụng đối với phân khúc thị trường khách nhất định, khách đi theo đoàn, có khả năng chi tiêu cao cho mua sắm hàng hóa. Lượng khách này chủ yếu đến từ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và cả khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Nhiều người cho rằng, tour giá rẻ không mang lại lợi ích cho điểm đến. Nhưng trên thực tế, đại diện Tổng cục Du lịch cho hay, khách du lịch vẫn chi tiêu tại điểm đến, phải trả chi phí cho nhà hàng, khách sạn, hãng vận chuyển, điểm tham quan, mua sắm…
Mặc dù bán tour giá rẻ nhưng doanh nghiệp lữ hành có nhiều cách để bù lỗ, thu được lợi nhuận nhờ vai trò của nhà tổ chức tour đưa khách đến và nhận được phí hoa hồng, các hỗ trợ phân phối lại của các nhà cung cứng mà lớn nhất ở đây là điểm mua sắm.
Bài 2: Giải pháp quản lý với tour giá rẻ
Song Đào