Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Ninh: Thị xã Thuận Thành nâng tầm và làm giàu tài nguyên văn hóa

21/01/2025 | 09:35

Quan tâm chăm lo chủ thể di sản văn hóa, mở rộng hoạt động quảng bá, phát triển du lịch, ứng dụng số hóa, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ mới hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đem lại giá trị kinh tế cho cộng đồng xã hội... Đó vừa là giải pháp vừa là mục tiêu mà Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hướng đến để nâng tầm, làm giàu giá trị di sản, tạo động lực giúp cộng đồng gìn giữ, phát huy những giá trị bền sâu của nguồn lực văn hóa trong đời sống đương đại.

Theo kết quả kiểm kê di sản, thị xã Thuận Thành có tổng số 234 di tích, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Dâu và chùa Bút Tháp; 22 di tích quốc gia cùng 61 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích ở Thuận Thành phản ánh chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa của người Việt, tiêu biểu như: Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương - Thủy tổ dân tộc; chùa Dâu - Tổ đình của Phật giáo Việt Nam; danh lam cổ tự chùa Bút Tháp; di tích thờ Sĩ Nhiếp - Nam giao học tổ... Thuận Thành cũng là địa phương cất trữ số bảo vật quốc gia nhiều nhất tỉnh với 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia hiện đang được bảo quản an toàn tại chùa Bút Tháp (Đình Tổ), chùa Linh Ứng (phường Gia Đông) và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu.

Bắc Ninh: Thị xã Thuận Thành nâng tầm và làm giàu tài nguyên văn hóa - Ảnh 1.

Quan tâm bảo tồn, nâng tầm di sản “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”

Gắn liền với di tích lịch sử văn hóa còn có gần 90 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm với nhiều nghi thức, phong tục độc đáo, đặc sắc. Tiêu biểu là lễ hội Kinh Dương Vương (ngày 18 tháng Giêng); hội thi gà Hồ làng Lạc Thổ (ngày 10/02 âm lịch); hội thi mã Đông Hồ (ngày 15/3 âm lịch); lễ hội chùa Bút Tháp (ngày 24-3 âm lịch); hội Khám (ngày 07/4 âm lịch), đặc biệt lễ hội rước phật Tứ Pháp vùng Dâu (ngày 08/4 âm lịch) là lễ hội lớn giữ vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân vùng Dâu-Luy Lâu... Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của quê hương Thuận Thành được kiểm kê, đưa vào danh mục ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị như: Múa rối nước Đồng Ngư; hát Ca trù ở Thanh Khương; hát Trống Quân ở Ninh Xá, Song Liễu; hát Chèo ở Gia Đông... Thuận Thành còn có các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như Tranh dân gian Đông Hồ, gốm Luy Lâu... cùng nhiều sản vật ngon nức tiếng: Gà Hồ, nem Bùi Xá, đậu phụ Trà Lâm, bánh cuốn Mão Điền, cháo thái và tương Đình Tổ...

Thời gian qua, thị xã triển khai thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy giá trị di tích, từng bước biến tiềm năng di sản văn hóa trở thành nguồn tài nguyên quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị báo chí truyền thông tìm hiểu tư liệu, sản xuất phim, phóng sự, tin, bài tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa của địa phương; thường xuyên phối hợp với các công ty lữ hành để nâng cấp điểm đến, tour, tuyến du lịch; gắn hoạt động tín ngưỡng, lễ hội với tham quan trải nghiệm, vui chơi giải trí của du khách; tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ khách du lịch ở những không gian, thời gian phù hợp; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, sản vật địa phương phục vụ nhu cầu mua sắm, làm quà tặng du lịch...

Bắc Ninh: Thị xã Thuận Thành nâng tầm và làm giàu tài nguyên văn hóa - Ảnh 2.

Lễ hội Kinh Dương Vương (thị xã Thuận Thành)

Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch ở Thuận Thành còn nhiều khó khăn, bất cập cần được quan tâm tháo gỡ. Hiện nay, du lịch chưa phát triển tương xứng với dư địa và tiềm năng của địa phương. Khả năng thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực văn hóa, du lịch còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng dù được quan tâm đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Các chương trình, đề án phát triển du lịch còn manh mún, thiếu chiến lược toàn diện. Hoạt động quản lý, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa ở cơ sở còn lúng túng...

Tự hào là mảnh đất giàu truyền thống, Thuận Thành xác định bảo tồn di sản văn hóa là gốc, là nền tảng thúc đẩy quá trình sáng tạo. Một cái gốc vững vàng sẽ tạo tiền đề cho “cành, lá” phát triển. Để có sản phẩm, dịch vụ văn hóa hấp dẫn, mang đậm bản sắc đòi hỏi quá trình đầu tư bảo tồn và khuyến khích hoạt động sáng tạo.

Trong giai đoạn tới, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ di sản văn hóa; xây dựng đề án phát triển du lịch địa phương gắn với bảo tồn di sản; tập trung đầu tư về hạ tầng du lịch và phát triển sản phẩm du lịch mới, từng bước hình thành chuỗi du lịch tâm linh trên địa bàn kết nối với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng khu lăng và đền thờ Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp (Tam Á, phường Gia Đông). Cùng với đó, đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa Thuận Thành; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản, tâm linh; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, sáng tạo; mở rộng quan hệ hợp tác phát triển trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước.

Theo Báo Bắc Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×