Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Ninh: Phát triển thể thao thành tích cao tương xứng với tiềm năng, thế mạnh

21/03/2025 | 10:25

Sau nhiều năm chú trọng đầu tư phát triển, thể thao thành tích cao (TTTTC) của tỉnh có nhiều khởi sắc, không ngừng lớn mạnh và đạt những thành tích ấn tượng. Kết quả nổi bật những năm qua sẽ tạo tiền đề để Bắc Ninh tiếp tục quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đưa TTTTC của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, từng bước hội nhập với thể thao trong nước và thế giới.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm tốt công tác tham mưu với tỉnh, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDTT, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 và Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” bằng nhiều chương trình, Đề án quan trọng, điển hình như: Chương trình đầu tư trọng điểm các môn thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020; Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển TDTT tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển môn Bóng chuyền nữ thành tích cao tỉnh Bắc Ninh; Đề án phát triển Bóng đá nam tỉnh Bắc Ninh… Do đó, phong trào TDTT nói chung, TTTTC nói riêng những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc.

Bắc Ninh: Phát triển thể thao thành tích cao tương xứng với tiềm năng, thế mạnh - Ảnh 1.

Các VĐV tranh tài tại Giải Bóng chuyền tỉnh Cúp bông lúa vàng năm 2024

Hiện Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đào tạo gần 500 vận động viên (VĐV) theo 3 tuyến (đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ, năng khiếu) của 15 môn thể thao, trong đó 2 môn thể thao tập thể là Bóng đá nam và Bóng chuyền nữ. Hàng năm, tham gia các giải thể thao quốc gia, quốc tế giành từ 160 đến 250 huy chương; có 40 - 50 lượt VĐV được phong đẳng cấp Kiện tướng và cấp I; mỗi năm ngành đóng góp 20 - 30 VĐV cho các đội tuyển Quốc gia. Nhiều vận động viên giành thành tích cao ở đấu trường khu vực và thế giới. Vị thế thế TTTTC của Bắc Ninh các năm qua có sự phát triển đột phá, đoàn thể thao Bắc Ninh luôn được cải thiện tăng vị trí thứ hạng tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc.

Có thể khẳng định, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện tốt các đề án, kế hoạch, TTTTC của Bắc Ninh đã có nhiều khởi sắc, đóng góp nhiều VĐV tài năng, triển vọng cho đội tuyển Quốc gia, thi đấu thành công ở đấu trường Quốc tế, tạo dấu ấn, thương hiệu riêng cho thể thao Bắc Ninh. Để tiếp tục phát triển TTTTC, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 373/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, xác định mục tiêu và định hướng cụ thể trong thời gian tới. Đề án đã định hướng rõ: Đầu tư phát triển TTTTC tỉnh đến năm 2030 nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ về TTTTC, trong đó tập trung phát triển các môn có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, các môn thể thao cơ bản trong Thế vận hội (Olympic), Đại hội thể thao châu Á (Asiad), Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao toàn quốc, các giải trẻ quốc tế, khu vực và trong nước. Xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên một cách bài bản, khoa học. Xác định một số môn thể thao có thế mạnh và phù hợp với đặc điểm thể chất, con người Bắc Ninh.

Bắc Ninh: Phát triển thể thao thành tích cao tương xứng với tiềm năng, thế mạnh - Ảnh 2.

VĐV tranh tài tại Giải Vô địch Vật tự do – Vật dân tộc năm 2025 trong chương trình Đại hội Thể dục – thể thao tỉnh lần thứ X

Để thực hiện được mục tiêu TTTTC giai đoạn 2026 đến năm 2030 đã đề ra, thời gian tới, ngành thể dục thể thao tập trung thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục củng cố hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao. Hoàn thiện hệ thống đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao theo 4 tuyến. Cụ thể là, phát triển các CLB thể thao cho trẻ em, học sinh tập luyện ban đầu ở cơ sở, trường phổ thông, hình thành VĐV cơ sở (tuyến IV). Đầu tư đào tạo VĐV đội năng khiếu nghiệp dư (tuyến III) tại một số Trung tâm VHTT cấp huyện. Tuyển chọn, đào tạo huấn luyện và quản lý VĐV tập trung đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu tỉnh (tuyến II). Tập trung đầu tư Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đủ điều kiện ứng dụng công nghệ và cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện nâng cao cho VĐV đội tuyển tỉnh (tuyến I) tham gia thi đấu giải thể thao quốc gia và quốc tế).

Thứ hai, tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm, môn thế mạnh của tỉnh có khả năng đạt thành tích huy chương cao tại các giải vô địch quốc gia, Đại hội Thể thao toàn quốc và trong chương trình Olympic, Sea Games, ASIAD, phấn đấu tiếp cận đấu trường châu lục và thế giới; ưu tiên những môn có thế mạnh, chiếm ưu thế về thành tích tại Đại hội Thể thao toàn quốc: Boxing, Cử tạ, Đấu kiếm, Pencak silat, Vật... Ngoài ra, lựa chọn, đầu tư một số VĐV có trình độ cao của các môn: Điền kinh, Đua thuyền, Kick boxing, Võ cổ truyền... nhằm mục tiêu gia tăng số lượng huy chương Đại hội Thể thao toàn quốc.

Thứ ba, lựa chọn huấn luyện VĐV đặc biệt xuất sắc tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc, SEA Games, ASIAD và tham dự Olympic. Ưu tiên tập trung cao cho VĐV đặc biệt xuất sắc có khả năng giành Huy chương Vàng Đại hội Thể thao toàn quốc, SEA Games, ASIAD và tham dự Olympic theo chế độ chính sách đặc thù chuyên biệt (dinh dưỡng, đãi ngộ, cử tập huấn, thi đấu quốc tế, chuyên gia huấn luyện...).

Thứ tư, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, y học, chăm sóc dinh dưỡng cho VĐV thành tích cao. Thực hiện tổ chức bộ phận chuyên trách y học chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, hồi phục sau tập luyện cho VĐV. Tiến tới hình thành Trung tâm y học Thể thao phục vụ việc nâng cao hiệu quả tuyển chọn, đào tạo huấn luyện, chăm sóc, hồi phục cho VĐV trong tập luyện, thi đấu. Ứng dụng CNTT trong đào tạo, huấn luyện và quản lý dữ liệu VĐV thành tích cao. Ưu tiên ứng dụng nghiên cứu khoa học, y học phục vụ nâng cao hiệu quả huấn luyện môn thể thao, VĐV trọng điểm. Đầu tư thiết bị kỹ thuật, dụng cụ cần thiết y học thể thao. Đẩy mạnh hợp tác với Viện Khoa học TDTT, các Trường Đại học TDTT, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Bệnh viện trong và ngoài tỉnh.

Thứ năm, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách dinh dưỡng đặc thù, khen thưởng, tiền công, bảo hiểm, hỗ trợ cho HLV, VĐV đầy đủ, kịp thời để động viên khuyến khích, giữ được HLV, VĐV tài năng phục vụ lâu dài cho tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các chế độ đãi ngộ cho HLV, VĐV có nhiều đóng góp với tỉnh. Nghiên cứu xây dựng cơ chế để từng bước thực hiện xã hội hóa các môn thể thao tập thể: Bóng chuyền nữ, bóng đá... theo hướng chuyên nghiệp phù hợp điều kiện thực tế.

Thứ sáu, tiếp tục hợp tác với các đơn vị TDTT mạnh có điều kiện cơ sở vật chất tốt: TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia để học tập kinh nghiệm và tạo điều kiện cho HLV, VĐV tập huấn, thi đấu nâng cao trình độ. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trước hết với các nước có thể thao phát triển trong khối ASEAN, Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...), Trung tâm đào tạo VĐV các nước tiên tiến trên thế giới để cử VĐV, HLV xuất sắc đi tập huấn, thi đấu nâng cao trình độ. Tăng cường đăng cai tổ chức các giải, sự kiện thể thao trong nước, quốc tế tại Bắc Ninh.

Theo Báo Bắc Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×