Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Ninh: Phát triển “công nghiệp không khói” ở làng nghề

08/07/2024 | 09:32

Du lịch làng nghề là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác từ lâu và dần trở thành trào lưu, xu hướng du lịch hấp dẫn. Phát triển “công nghiệp không khói” giúp đánh thức giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của làng nghề, của các sản phẩm kết tinh từ quá trình lao động, biến thành tài nguyên để thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, khám phá và trải nghiệm cùng với cộng đồng người dân trực tiếp sản xuất sản phẩm.

Bắc Ninh: Phát triển “công nghiệp không khói” ở làng nghề - Ảnh 1.

Các làng nghề thủ công truyền thống ở Bắc Ninh hấp dẫn nhiều đối tượng du khách trong nước và quốc tế.

Du lịch làng nghề là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác từ lâu và dần trở thành trào lưu, xu hướng du lịch hấp dẫn. Phát triển “công nghiệp không khói” giúp đánh thức giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của làng nghề, của các sản phẩm kết tinh từ quá trình lao động, biến thành tài nguyên để thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, khám phá và trải nghiệm cùng với cộng đồng người dân trực tiếp sản xuất sản phẩm. Nhìn ở góc độ sản phẩm du lịch, làng nghề ở Bắc Ninh có nhiều dư địa, tiềm năng để khai thác, phát triển sản phẩm phục vụ du lịch. Từ xa xưa, Bắc Ninh đã là một trong những xứ sở đa canh, đa nghề điển hình. Bên cạnh những ngôi làng thuần nông, Bắc Ninh còn nổi tiếng với những làng nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời, giàu bản sắc. Làng nghề truyền thống với nghề thủ công là tài sản vật chất và di sản tinh thần vô giá, là nguồn nội lực to lớn góp phần đưa quê hương Bắc Ninh phát triển giàu mạnh, văn minh. Hiện nay, toàn tỉnh có 65 làng nghề, trong đó 41 làng nghề truyền thống, 24 làng nghề mới. Lĩnh vực hoạt động sản xuất của làng nghề Bắc Ninh phong phú, đa dạng ở hầu hết các ngành kinh tế, từ việc sản xuất nông sản, thực phẩm, chế biến món ăn đặc sản đến chế tạo công cụ, vật dụng sinh hoạt gia đình, các mặt hàng mỹ nghệ, sản phẩm nghệ thuật... Có lịch sử hình thành lâu đời, một số làng nghề thủ công truyền thống của Bắc Ninh còn nổi tiếng khắp cả nước và là thương hiệu khi nhắc đến miền Quan họ với nhiều lợi thế thu hút khách du lịch như: Làng gốm Phù Lãng (Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành), làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Phù Khê (Từ Sơn), làng gò đúc đồng Đại Bái, làng mây tre đan Xuân Lai (Gia Bình), làng Quan họ Tam Tảo (Tiên Du)... Nghiên cứu thực trạng các điều kiện phát triển du lịch tại làng nghề ở Bắc Ninh hiện nay cho thấy quy mô, không gian thực hành nghề còn đơn điệu, chưa lôi cuốn, thu hút du khách đến và trải nghiệm được nhiều. Việc truyền thông, quảng bá cho các điểm du lịch làng nghề chưa bài bản; chưa thiết kế được gói du lịch đồng bộ; liên kết vùng, kết nối làng nghề với các đơn vị lữ hành chưa hiệu quả... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để những làng nghề Bắc Ninh thực sự là điểm đến du lịch níu giữ du khách ở lại khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm chứ không chỉ là điểm “dừng chân” hoặc “lướt qua” cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025” với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch nông nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống, hệ thống các di sản văn hóa của tỉnh Bắc Ninh để hình thành các sản phẩm du lịch theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm, bền vững, mang bản sắc đặc trưng văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc, thu hút người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí; kết hợp bảo tồn văn hóa, giới thiệu hình ảnh đẹp về văn hóa cư dân địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bắc Ninh: Phát triển “công nghiệp không khói” ở làng nghề - Ảnh 2.

Thợ trẻ sáng tạo, gìn giữ nghề gốm Phù Lãng.

Theo Đề án, làng gốm Phù Lãng và làng tranh Đông Hồ được xác định là 2 trong ba sản phẩm OCOP du lịch thí điểm của tỉnh. Với hơn 700 năm tồn tại và phát triển, làng gốm Phù Lãng có điều kiện, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch khám phá tinh hoa làng nghề, nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử của sản phẩm. Tiềm năng du lịch làng gốm Phù Lãng cũng bước đầu được một số hộ gia đình quan tâm, khai thác. Tuy nhiên, để trở thành điểm du lịch cộng đồng, làng gốm Phù Lãng cần được đầu tư hạ tầng du lịch, công trình công cộng (bãi đậu xe, bảng biển hướng dẫn, nhà đón tiếp, thuyết minh, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, nhà hàng, lưu trú, điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hạ tầng viễn thông...), đặc biệt cần nghiên cứu sáng tạo để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kể được câu chuyện văn hóa của làng nghề. Làng tranh Đông Hồ có lịch sử nghề làm tranh dân gian độc đáo hàng trăm năm là tài nguyên để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chí OCOP. Việc kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch làng nghề được đánh giá là mô hình phù hợp. Thời gian qua, du khách đến tham quan làng tranh Đông Hồ tương đối đông, trung bình khoảng 10 nghìn lượt khách mỗi năm, trong đó 10% là khách quốc tế. Tuy vậy, việc tham quan, trải nghiệm nghề làm tranh chưa mang lại lợi nhuận cho cộng đồng vì chưa thu hút khách ở lại dài ngày. Khách đến Đông Hồ chủ yếu tham quan, ít mua tranh. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ theo tiêu chuẩn, thiếu nhà hàng, cơ sở lưu trú, quầy cung cấp thông tin, điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm... Du lịch làng nghề, ngoài việc tìm hiểu quy trình sản xuất sản phẩm, giao lưu với nghệ nhân và tham gia thử sức tạo ra sản phẩm, khách du lịch còn mong muốn khám phá, trải nghiệm những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tồn tại qua thời gian. Vì thế khi thiết kế xây dựng sản phẩm du lịch cần chú trọng hàm lượng văn hóa kết tinh trong mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong đặc sản ẩm thực, cũng như nguyên liệu sản xuất, chế biến sản phẩm... Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, những làng nghề thủ công truyền thống lâu đời như gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ là hình ảnh mang giá trị “thương hiệu độc quyền” của Bắc Ninh, khẳng định bản sắc, nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Đề án phát triển sản phẩm OCOP du lịch cùng cách làm bài bản, chuyên nghiệp, sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp du lịch và từng hộ dân... không chỉ có ý nghĩa quảng bá sản phẩm làng nghề, mà còn tôn vinh văn hóa làng, văn hóa nghề, thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch, gìn giữ cảnh quan làng nghề trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay và góp phần đưa hình ảnh, giá trị văn hóa quê hương Bắc Ninh ra khắp thế giới.

Theo Báo Bắc Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×