Bắc Ninh nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch
10/06/2019 | 11:07Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bắc Ninh đã chủ động tham mưu với tỉnh tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá vùng đất, con người, văn hóa, tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch của Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ảnh minh họa.
Nổi bật là tổ chức thành công lễ kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh; Festival "Về miền Quan họ - 2019", 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;... Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện theo quy định của pháp luật; chú trọng bảo tồn các nghi thức truyền thống, phát huy bản sắc giá trị văn hóa của Bắc Ninh - Kinh Bắc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả. Năm 2018, toàn tỉnh có 89,9% làng, khu phố đạt danh hiệu làng, khu phố văn hóa; 91,9% gia đình văn hóa; 91,8% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 44,8% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 86,3% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tỷ lệ số người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 34%. Công tác tuyên truyền quảng bá được chú trọng bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú đa dạng góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Bắc Ninh. Mỗi năm toàn tỉnh có gần 3 triệu lượt khách đến tham dự lễ hội, thăm quan di tích và tham dự các sự kiện của tỉnh.
Tại các cuộc giám sát hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở và Phòng Văn hóa - Thông tin một số huyện, thị xã vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh chỉ ra một số hạn chế: Chất lượng Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" chưa bền vững; chưa phát huy được tiềm năng của di sản văn hoá vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hoá; việc xây dựng các thiết chế văn hoá còn thiếu đồng bộ và bất cập; công tác quy hoạch, đầu tư cho hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ du lịch; chưa tạo được đột phá để khai thác, phát huy tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh; các lĩnh vực kinh doanh du lịch phát triển chưa đồng bộ, hiệu quả kinh doanh và tỷ lệ đóng góp vào GDP của tỉnh thấp;...
Qua giám sát, Ban có nhiều kiến nghị, đề xuất với các cấp, ngành, địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Đối với UBND tỉnh: Hằng năm, chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện Đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030"; tăng cường đầu tư kinh phí cho việc sửa chữa, xây dựng trụ sở, trang thiết bị và phương tiện làm việc của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch; nâng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở; ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hoá tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối với Sở Văn hóa, Thể Thao & Du lịch: Quan tâm nâng cao chất lượng thực chất Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, kiểm kê, cắm mốc, cấp sổ đỏ các di tích; đẩy nhanh việc xây dựng thiết chế văn hóa ở cấp huyện, xã, thôn; ban hành hướng dẫn quy chế hoạt động của các thiết chế văn hóa cấp cơ sở thống nhất trên địa bàn tỉnh; tăng cường và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền các hoạt động văn hóa, đặc biệt là các ngày tết, ngày lễ lớn do tỉnh tổ chức đến các tầng lớp nhân dân./.