Bắc Ninh: Huy động nguồn lực bảo vệ di sản văn hóa
24/05/2024 | 11:06Là miền đất cổ, Bắc Ninh đậm đặc di tích lịch sử và sống động truyền thống văn hoá Việt Nam. Truyền thống văn hóa Bắc Ninh được khái quát trong bảy Tổ của Việt Nam là: Chùa Tổ- chùa Dâu; Nam Bang Thủy Tổ - Kinh Dương Vương; Nam giao học tổ - Sĩ Nhiếp; Thủy tổ Quan họ - Đức Vua Bà; Tổ Trúc Lâm Thiền sư-Lý Đạo Tái (Huyền Quang); Thủy tổ vương triều Lý - Lý Thái Tổ và Tổ quân khí - Cao Lỗ Vương.
Bắc Ninh hiện có 1.589 di tích, trong đó 4 di tích Quốc gia đặc biệt, 204 di tích quốc gia, 435 di tích cấp tỉnh; 18 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bắc Ninh còn có 4 di sản được UNESCO ghi danh gồm: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngoài ra, còn có 547 lễ hội truyền thống được các cộng đồng dân cư duy trì tổ chức hàng năm; 120 làng nghề thủ công, trong đó 62 làng nghề thủ công truyền thống; gìn giữ và bảo tồn phong phú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: Tuồng, chèo, trống quân, múa rối nước, các trò chơi dân gian... Bên cạnh đó là hàng nghìn nghi lễ, phong tục, truyền thuyết, giai thoại, hò vè, truyện kể xung quanh nhân vật lịch sử, bậc tiền bối và liên quan đến chu kỳ vòng đời con người được các cộng đồng dân cư gìn giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác... Tự hào thừa kế một nền văn hóa rực rỡ với những di sản vô giá của dân tộc và của cả nhân loại, thời gian qua, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh ý thức rõ trách nhiệm, không ngừng quan tâm đầu tư các nguồn lực để bảo tồn, làm giàu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của quê hương. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa được chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đáng chú ý, Bắc Ninh tiên phong triển khai Đề án số hóa di sản để bảo tồn bền vững kho tàng di sản văn hóa của quê hương, đồng thời hoàn thành Đề án sản xuất phim tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu, mở ra cơ hội cho di sản văn hóa Bắc Ninh “hội nhập” trong xã hội hiện đại. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp từ 50-70 di tích đã được nhà nước xếp hạng. Riêng năm 2023, cơ quan chuyên môn hoàn thành lập hồ sơ xếp hạng đối với 8 di tích cấp tỉnh, 3 di tích cấp quốc gia, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 1 hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia; hướng dẫn trình tự, thủ tục tu bổ đối với 78 di tích, đồng thời duy trì kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh; xây dựng Đề án thí điểm thiết kế, sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch từ giá trị di sản văn hóa và các bảo vật Quốc gia. Minh chứng điển hình cho việc ứng xử đúng đắn của Bắc Ninh với di sản văn hóa là chuỗi chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ. Ngay sau khi được UNESCO vinh danh, tỉnh triển khai hàng loạt chủ trương, chính sách thiết thực để di sản Dân ca Quan họ có được sức sống mới trong đời sống đương đại. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các cam kết với UNESCO, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên các phương tiện truyền thông; đầu tư tổ chức nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao văn hóa quy mô lớn để quảng bá di sản. Đáng kể như các chương trình Festival “Về miền Quan họ”; tổ chức giao lưu nghệ thuật, kết nối quảng bá di sản Dân ca Quan họ ở trong nước và quốc tế; duy trì tổ chức chương trình hát Quan họ trên thuyền... Công tác sưu tầm, nghiên cứu khoa học về Dân ca Quan họ cũng được tiếp cận đa chiều, góp phần bổ sung, làm giàu giá trị di sản. Việc truyền dạy Dân ca Quan họ được mở rộng với nhiều hình thức từ hệ thống các cơ sở giáo dục đến cộng đồng dân cư. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế đặc thù (Nhà hát, Nhà chứa Quan họ) và ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng Quan họ gốc, các CLB Quan họ tiêu biểu; khuyến khích sự phát triển của các làng Quan họ thực hành... Không riêng di sản Dân ca Quan họ, giai đoạn vừa qua, công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cũng luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân các địa phương. Đáng chú ý, những ngày đầu xuân 2024, Trung tâm Văn hóa tỉnh tích cực đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống biểu diễn tại một số di tích, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, vừa nâng cao chất lượng điểm đến, kích cầu du lịch, vừa tiếp tục quảng bá di sản và hình ảnh quê hương Bắc Ninh văn hiến, phát triển. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiến hành tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025; tiếp tục trình cấp có thẩm quyền Hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào lại từ bỏ các giá trị văn hóa đã được cha ông, dân tộc mình tích lũy trong quá khứ. Bởi, di sản văn hóa là hồn cốt, là tấm căn cước kết nối quá khứ, hiện tại với tương lai. Do đó, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Bắc Ninh xác định là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, bền bỉ; là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng nhân dân.