Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Ninh: Đầu tư vận hành hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao

19/07/2024 | 15:14

Bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, nhà văn hóa, khu thể thao, sân vận động, quảng trường, công viên... là những thiết chế văn hóa, thể thao được hình thành đáp ứng nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Tại Bắc Ninh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được đầu tư xây dựng, bổ sung trang thiết bị chuyên dụng và phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã tác động tích cực, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; tạo nền tảng vững chắc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội, để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ngay từ cơ sở. Theo tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được phân cấp quản lý cụ thể. Đối với cấp tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý 6 thiết chế gồm: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, Trung tâm đào tạo và thi đấu bóng chuyền tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, Trung tâm đào tạo bóng chuyền tỉnh Bắc Ninh chưa có trụ sở riêng, hiện đang trong quá trình xây dựng.

Bắc Ninh: Đầu tư vận hành hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao - Ảnh 1.

Nhà hát Dân ca Quan họ - thiết chế văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh.

Ở cấp huyện, hiện có 7/8 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao bảo đảm theo tiêu chí, riêng huyện Tiên Du chưa đảm bảo theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ở cấp xã có 126/126 đơn vị đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao, tuy nhiên phần lớn chưa có đủ 3 công trình Hội trường đa năng - Khu thể thao - Sân vận động. Đối với thiết chế văn hóa, thể thao thôn, làng, khu phố, toàn tỉnh có 607/730 Nhà văn hóa thôn, khu phố đạt chuẩn, 80 Nhà văn hóa chưa đạt chuẩn và 43 thôn, làng, khu phố chưa có Nhà văn hóa. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư và đưa vào sử dụng 11 Nhà chứa Quan họ tại các làng Quan họ thuộc thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn. Qua các giai đoạn, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Trọng tâm là Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Gần đây nhất, cuối năm 2023, UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh.

Thông qua thiết chế văn hóa, thể thao, giúp nhận diện “gương mặt văn hóa” của mỗi cộng đồng, địa phương. Bởi thiết chế vừa là nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; trao truyền, tiếp nối, lan tỏa và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, vừa phản ánh trình độ phát triển văn hóa của cộng đồng dân cư, chứa đựng những giá trị độc đáo về truyền thống lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, bồi đắp niềm tự hào quê hương trong mỗi cá nhân và là cầu nối phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Mặc dù thường xuyên được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị song hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm bám sát quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao theo quy định; một số công trình thiết chế văn hóa trọng điểm, dự án ưu tiên đầu tư đến thời điểm hiện tại chưa thực hiện được như Trung tâm Triển lãm, Rạp chiếu phim; đề án trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng tỉnh; Thư viện điện tử... Tại cấp huyện, một số địa phương xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từ lâu nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, hoặc đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa bảo đảm tối thiểu các công trình theo quy định. Ở cấp xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu đồng bộ, trong khi đó cấp thôn làng khu phố thì kinh phí hoạt động hạn chế, không có nguồn chi cho hoạt động thường xuyên. Hơn nữa, lực lượng cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ tham gia vận hành hoạt động tại các thiết chế chưa đáp ứng yêu cầu, thường xuyên có sự thay đổi... Thiết chế văn hóa, thể thao, không chỉ có “phần cứng” với địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng mà còn hội tụ các yếu tố về bộ máy tổ chức, cán bộ nghiệp vụ, cơ chế quản lý, kinh phí vận hành, nội dung, chương trình hoạt động... Chính vì vậy, tập trung triển khai giải pháp đầu tư nguồn lực đồng bộ để tiếp tục phát triển và vận hành hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đang là một yêu cầu cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo Báo Bắc Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×