Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Ninh: Đa dạng hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế ban đêm

29/02/2024 | 10:11

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, thời gian qua một số địa phương trong tỉnh Bắc Ninh có bước đi chủ động, sáng tạo, rà soát các tuyến phố, khu vực để phát triển tuyến phố chuyên doanh, phố đêm, phố đi bộ…

Đây là một hướng đi mới phù hợp với xu thế phát triển theo định hướng Đề án phát triển kinh tế ban đêm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch, mô hình kinh tế đêm “sống được”, về lâu dài xác định là nguồn thu hiệu quả, cần có bước đi, lộ trình bài bản, đồng bộ, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Điển hình, thời gian qua thành phố Bắc Ninh với mô hình tuyến phố chuyên doanh, phố đêm ở một số phường như Tiền An, Ninh Xá, Vân Dương, Nam Sơn hay độc đáo của phiên chợ âm dương tại phường Võ Cường mới khôi phục; thị xã Quế Võ có mô hình chợ đêm ở phường Phương Liễu phục vụ chủ yếu công nhân lao động quanh khu công nghiệp; các phường Đông Ngàn, Trần Phú của thành phố Từ Sơn triển khai các tuyến phố văn minh thương mại… Qua đó, góp phần kích cầu tiêu dùng, thưởng thức ẩm thực, quảng bá du lịch, văn hóa địa phương.

Song, nhìn vào chiều sâu, thực trạng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và du lịch ở các tuyến phố chuyên doanh, phố đêm, chợ đêm vẫn ở dạng nhỏ lẻ, tự phát. Hoạt động kinh doanh, buôn bán đang diễn ra của người dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân, công nhân sinh sống giáp ranh các khu, cụm công nghiệp, chính quyền, doanh nghiệp xây dựng, hình thành mô hình nên còn vướng nhiều quy định, thủ tục, đặt ra các vấn đề thực tiễn cần giải quyết. Thực tế, một số hoạt động gắn với phố chuyên doanh, tuyến phố đêm, phố đi bộ hiện mới chỉ tổ chức vào dịp lễ, tết hoặc khoảng 1 quý/lần (diễn ra trong thời gian ngắn 2-3 tiếng) thì có thể tạm chấp nhận, song nếu hoạt động đều đặn như một số chợ đêm, phố đêm nổi tiếng của một số nơi, nhìn rộng ra là một số nước trong khu vực lại là một bài toán cần có lời giải.

Đánh giá ở nhiều chiều, hoạt động kinh doanh, dịch vụ và du lịch của tỉnh thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đã và đang xảy ra thực trạng người lao động nước ngoài, nhất là các chuyên gia, lãnh đạo của các doanh nghiệp làm việc tại Bắc Ninh ban ngày, vào thời gian nghỉ họ lại đến các địa phương lân cận để sử dụng dịch vụ. Đó cũng là xu hướng của ngày càng nhiều gia đình ở Bắc Ninh, nhất là gia đình trẻ lựa chọn điểm đến dịp cuối tuần, nghỉ lễ, tết là các nơi như Hà Nội để trải nghiệm các dịch vụ mà Bắc Ninh đang thiếu như các tổ hợp thương mại, khu du lịch sinh thái…

Bắc Ninh: Đa dạng hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế ban đêm - Ảnh 1.

Người dân tham gia các hoạt động vui chơi tại tuyến phố đêm Tiền An (thành phố Bắc Ninh)

Để hướng tới đa dạng, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế ban đêm, thiết nghĩ tỉnh cần có những chính sách, chiến lược dài hơi, đồng bộ. Trước mắt, như ở thành phố Bắc Ninh là địa phương có đông người nước ngoài sinh sống hoặc một số địa phương giáp ranh các khu, cụm công nghiệp có đông công nhân lao động, cần nghiên cứu, triển khai thí điểm mô hình kinh tế ban đêm từ việc hình thành các tuyến phố đêm, phố ẩm thực, giới thiệu sản phẩm OCOP… nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện được tiếp cận văn hóa, giải quyết các vấn đề liên quan đến nâng cao đời sống cho công nhân lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh.

Có các giải pháp tháo gỡ, khó khăn, bất cập, tạo khung pháp lý và điều kiện cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh tế ban đêm phát triển như: Thủ tục pháp lý, giấy phép hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động… Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và giá trị từ phát triển kinh tế ban đêm.

Tổ chức nghiên cứu, học tập mô hình kinh tế ban đêm ở các nước trên thế giới, trong khu vực và trong các đô thị lớn của cả nước để đúc rút kinh nghiệm, triển khai, nhân rộng mô hình kinh tế ban đêm trong toàn tỉnh.

Về lâu dài, hướng tới phát triển kinh tế ban đêm quy mô, bài bản, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cần có giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ khâu quy hoạch. Gắn quy hoạch tỉnh với định hướng các khu vực, địa bàn được phát triển kinh tế ban đêm; đồng thời quan tâm quy hoạch phát triển các trung tâm, tổ hợp thương mại quy mô cấp vùng, khu đô thị, du lịch sinh thái mang tầm cỡ như một số mô hình mà các địa phương lân cận đã triển khai thành công như AEON, ECOPARK, OCEAN PARK… Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, phát triển xanh bền vững, phát huy nội lực, dần giảm lệ thuộc vào nguồn thu doanh nghiệp FDI. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra khi với đặc thù tỉnh nhỏ, quỹ đất trống của tỉnh không còn nhiều.  

Nắm bắt cơ hội, tổ chức định hướng từ khâu quy hoạch, quản lý, huy động các nguồn lực, tạo hành lang pháp lý vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển, vừa bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường thu hút đầu tư… Đó sẽ là hướng đi mới trong phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Theo Báo Bắc Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×