Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bạc Liêu: Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

31/01/2018 | 12:42

Với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, Bạc Liêu đã, đang và sẽ rộng mở cánh cửa đón những nhà đầu tư về với địa phương bằng những dự án du lịch góp phần đưa ngành “công nghiệp không khói” nơi này lên tầm cao mới.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu - điểm du lịch hấp dẫn của các bạn trẻ. (Ảnh: mytour.vn)

Năm 2012, một “sản phẩm du lịch” đặc trưng của vùng đất Chín Rồng được ra đời, đó là “ĐBSCL - Một điểm đến, bốn địa phương +”. Có thể mở ngoặt chú thích cho cụm từ này như sau: 4 địa phương bao gồm Kiên Giang với “Du lịch biển đảo”, An Giang với “Du lịch tâm linh”, Cần Thơ với “Miệt vườn sông nước”, Cà Mau với “Du lịch sinh thái rừng ngập mặn”, và Bạc Liêu, điểm “+” trong sản phẩm du lịch liên kết này được đúc kết là “Điểm hẹn văn hóa”. Về miệt Cửu Long, trên mảnh đất phù sa này đâu đâu cũng thấy những vườn cây trái xum xuê, những chùa chiền, miếu mạo trầm mặc, uy nghi, vững chãi cùng năm tháng với những huyền tích tâm linh đủ sức hấp dẫn, mời mọc du khách xứ lạ về thăm. Mảnh đất giàu tôm cá còn chiêu đãi thực khách những món đặc sản miền sông nước khó quên. Vậy thì du lịch Bạc Liêu có gì khác trong cái khung cảnh chung ấy? Bạc Liêu đang muốn phát triển, lấy tiềm năng để bứt phá, để chứng minh mình có nét đặc trưng riêng, đủ khả năng để vẽ lên bản đồ du lịch của ĐBSCL, bản đồ du lịch của cả nước những điểm riêng đủ sức cuốn hút du khách về với mình, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng đất giàu tiềm năng về du lịch.

Không được thiên nhiên ưu đãi cho những cảnh quan kỳ vĩ, Bạc Liêu mở cửa đón những nhà đầu tư về hiến kế, góp trí tài để du lịch Bạc Liêu cất cánh trên đường băng, chính là bằng những vốn liếng về nội hàm văn hóa, bằng sự chân thành… Bạc Liêu thu hút mọi người đến với mình bằng chính những giá trị văn hóa nội tại. Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (với những tư liệu, hiện vật chứng minh quá trình hình thành và phát triển của bản “Dạ cổ hoài lang”, câu vọng cổ, nghệ thuật ĐCTT, cải lương Nam bộ là có công lớn của nhiều tiền nhân Bạc Liêu) tương lai gần sẽ là 1 trong 7 điểm du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt. Một điểm đến luôn là chọn lựa của du khách hành hương đến với Bạc Liêu như khu Quán âm Phật đài cũng ngày càng đón khách tấp nập hơn. Và kia, giữa không gian mênh mông của trung tâm TP. Bạc Liêu là một Quảng trường Hùng Vương bề thế với những công trình mang đậm phong cách Bạc Liêu: cây đờn kìm cách điệu to lớn uy nghi giữa trung tâm quảng trường như muốn “nói” với người nhìn ngắm rằng đây là một trong những vùng đất của nghệ thuật ĐCTT. Bạc Liêu là nơi bản “Dạ cổ hoài lang” đã ra đời, làm nối dài hành trình mải miết để nghệ thuật ĐCTT trở thành một dòng chảy lưu truyền trăm năm. Những biểu tượng như: Tượng đài sự kiện Mậu Thân năm 1968, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình; đặc biệt là Trung tâm triển lãm VH-NT và nhà hát Cao Văn Lầu với hình dáng 3 chiếc nón lá được xem như biểu tượng của 3 miền Bắc - Trung - Nam và ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trên đất Bạc Liêu… Tất cả những công trình ấy đã tô điểm cho một Bạc Liêu “điểm hẹn văn hóa” thêm dày, thêm sâu và để lại ấn tượng đẹp trong lòng bè bạn gần xa. Còn nữa, cụm nhà Công tử Bạc Liêu với những sự thật và giai thoại về phong cách sống và chịu chơi nổi danh một thời mà ai đã đặt chân đến Bạc Liêu hay người phương xa chưa một lần đến cũng đều muốn biết nơi này! Một khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim đầy tiềm năng đang mời gọi nhà đầu tư có bản lĩnh và kinh nghiệm để bày cách thu hút du khách đông hơn. Nối tiếp hành trình hướng về biển còn có mảnh đất Giồng Nhãn của TP. Bạc Liêu. Ngắm nhìn những gốc nhãn cổ thụ, tham quan cây xoài 300 năm tuổi, du khách tiếp đó sẽ được tham quan chùa Xiêm Cán - một kiến trúc nghệ thuật độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu…

Từ những tiềm năng sẵn có, chủ động nỗ lực và mở cửa đón nhận sự đầu tư, hợp tác để phát triển, Bạc Liêu đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch như: khẩn trương hoàn thành dự án khu du lịch Quán âm Phật đài, nhất là hạng mục xây dựng núi Quán âm; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khả thi để xây dựng khu du lịch Giồng Nhãn trở thành khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh; kêu gọi thu hút đầu tư khu du lịch sinh thái gắn với tham quan điện gió, khu cầu dẫn và vui chơi trên biển; hoàn thành dự án tuyến du lịch ven biển Nhà Mát - Cái Cùng để kêu gọi đầu tư vào tuyến du lịch này; tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa gắn với tổ chức các dịch vụ du lịch để thu hút du khách.

Bạc Liêu đã có những chương trình hành động “sát sườn” để phát triển ngành “công nghiệp không khói”; sự nhập cuộc của các sở, ban ngành, địa phương; sự tìm tòi, hợp tác để học cách “làm du lịch” đã và đang từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và, với một tâm thế mở cửa, hội nhập để hợp tác, phát triển, Bạc Liêu mở rộng cánh cửa đón các nhà đầu tư về đây. Những chính sách thu hút đầu tư chính là tín hiệu đèn xanh, cùng với những tiềm năng sẵn có của một “điểm hẹn văn hóa” nghĩa tình, tin rằng tỉnh sẽ đón được những nhà đầu tư mang tâm huyết và tài năng đến với mình, cùng với Bạc Liêu góp tấm lòng và trí lực để giúp sức cho tỉnh nâng vị thế lên một tầm cao mới trong bức tranh du lịch của khu vực và cả nước!./.

(Theo báo Bạc Liêu)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×