Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bạc Liêu làm mới du lịch để thu hút du khách tham quan

14/07/2022 | 09:11

Bên cạnh sự quan tâm thúc đẩy của các cấp, các ngành, du lịch tỉnh Bạc Liêu khởi sắc nhờ tự làm mới, tự sáng tạo nhằm thu hút lượng lớn khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Bạc Liêu làm mới du lịch để thu hút du khách tham quan - Ảnh 1.

Du khách thích thú cho cừu ăn khu du lịch càphê Trang trại Cừu, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã khởi sắc trở lại, góp phần tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ, du lịch đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch năm, tăng 76,2% so với cùng kỳ.

Kết quả trên thực sự đáng phấn khởi, nhất là sau 2 năm dịch COVID-19, ngành Du lịch gần như bị đóng băng. Bên cạnh sự quan tâm thúc đẩy của các cấp, các ngành, du lịch tỉnh Bạc Liêu khởi sắc nhờ tự làm mới, tự sáng tạo nhằm thu hút lượng lớn khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Du lịch độc, lạ lên ngôi

Năm 2022, du lịch tỉnh Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng bởi cánh đồng điện gió, vườn nhãn cổ, cánh đồng muối đặc trưng hay những ngôi chùa cổ kính, mà còn hấp dẫn nhiều người đam mê khám phá bởi những vườn nho có nhiều giống nho mang về từ miền Trung Ninh Thuận, những nông trại cừu, ngựa đặc trưng của miền Đông Nam Bộ, của núi rừng Tây Nguyên hay những vườn hoa đầy hương sắc.

Không sở hữu cảnh quan thiên nhiên, điều kiện thuận lợi như một số địa phương khác, nhưng những người làm du lịch Bạc Liêu đã mạnh dạn, sáng tạo và bứt phá để làm mới du lịch, vừa phát huy thế mạnh của địa phương vừa mang những đặc trưng của vùng miền khác về, tạo nên một Bạc Liêu rất riêng.

Một điểm đang thu hút du khách trong và ngoài tỉnh là khu du lịch Càphê Trang trại Cừu ở xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu. Dù đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm "check-in" nổi tiếng với những người trẻ đam mê du lịch sinh thái và chụp ảnh. Tại Càphê Trang trại Cừu, du khách sẽ được trải nghiệm thực tế khi được chăm sóc, đùa vui, chụp ảnh cùng cừu, dê, thỏ...

Một điểm du lịch sinh thái khác đang thu hút du khách là vườn nho của anh Hứa Phong, huyện Phước Long, với những quả nho xanh tươi, trĩu quả. Anh Hứa Phong cho biết ban đầu, anh mua gốc nho về trồng làm thú vui thư giãn; sau đó dần nhiều người biết đến, tham quan và chia sẻ kinh nghiệm trồng. Anh nhận thấy cơ hội làm du lịch nên quyết định mở rộng thêm diện tích trồng, phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh. Bên cạnh phát triển du lịch, chủ vườn còn cung cấp cây giống, hướng dẫn cách trồng cho những du khách có nhu cầu làm vườn nho tại gia đình.

Cùng với đó, một số hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư điểm du lịch sinh thái bằng những vườn hoa tươi, tiểu cảnh nghệ thuật, các khu để du khách tham gia trò chơi dân gian, thử một ngày làm nông dân… Nhiều mô hình đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh như Cánh đồng hoa Huỳnh, khu du lịch sinh thái Phương Nam (huyện Vĩnh Lợi)... Tại đây, khách du lịch còn có thể thưởng thức các món ăn dân dã đồng quê mang đậm phong cách miền Tây Nam Bộ như bánh xèo, bánh khọt, cá đồng nướng trui...

Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng

Ngành Du lịch Bạc Liêu đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Đây là cơ sở để tỉnh đề ra chỉ tiêu cũng như các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022, tiếp đón khoảng 3,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch-dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng; phấn đấu có từ 1-2 điểm là điểm du lịch tiêu biểu của vùng, công nhận từ 1 đến 3 khách sạn đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.

Bạc Liêu làm mới du lịch để thu hút du khách tham quan - Ảnh 2.

Biểu diễn văn nghệ phục vụ khách tham quan tại Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc tiếp tục củng cố, nâng cấp phát triển sản phẩm du lịch đã có như Khu Quán âm Phật đài, Khu du lịch Nhà Mát, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, chùa Giác Hoa, chùa Hưng Thiện, nhà thờ Tắc Sậy… theo hướng khai thác đa dạng, có chiều sâu, tỉnh Bạc Liêu hướng đến khuyến khích, mở rộng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hồng Dân và huyện Phước Long, trong đó điểm nhấn là mô hình du lịch cộng đồng. Mô hình này được xác định là hướng đi lâu dài, bền vững trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết qua khảo sát một số điểm du lịch sinh thái cộng đồng mới hình thành trên địa bàn cho thấy bên cạnh những mặt tích cực, mô hình này cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có sự đầu tư bài bản nên việc khai thác sản phẩm, dịch vụ đơn điệu, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển... Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và hạn chế của mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh Bạc Liêu sẽ có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Tỉnh đang tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Bạc Liêu tại các sự kiện du lịch, hội chợ triển lãm, lễ hội, các hoạt động giao lưu văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh việc hợp tác liên kết phát triển du lịch các tỉnh, thành phố phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng. Cùng với đó, địa phương tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch Bạc Liêu - điểm đến an toàn.

Bạc Liêu cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch, hoàn thiện, nâng cao chất lượng một số khu, điểm du lịch tập trung kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, như xây dựng tàu du lịch Tắc Sậy-Đông Hải; điểm du lịch vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải); xây dựng khu du lịch Vườn nhãn trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm với nhiều dịch vụ phong phú.

Từ ngành kinh tế nhỏ, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bạc Liêu. Với sự phục hồi và bức phá mạnh mẽ, trụ cột phát triển kinh tế-xã hội này đang ngày càng vững chắc hơn, trên hành trình trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×