Bạc Liêu: Chuẩn hóa nguồn nhân lực cho du lịch phát triển lâu dài
13/12/2023 | 08:59Bạc Liêu đã lựa chọn du lịch làm “trụ cột” cho sự phát triển và đang nhập cuộc chuyển đổi số trên lĩnh vực này, vì vậy cần những bước đi dài hơi hơn trong đào tạo để xây dựng đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ là việc vô cùng cấp thiết.
Điểm trừ của du lịch
Nếu những giá trị văn hóa - lịch sử, vẻ đẹp của những điểm đến như: Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu DL sinh thái Điện gió Hòa Bình 1, chùa Xiêm Cán, Quảng trường Hùng Vương… là điểm cộng thì đội ngũ tham gia “bán” dịch vụ DL ở Bạc Liêu là điểm trừ với du khách. Minh chứng đơn giản nhất là nhiều điểm DL tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh hiện không có thuyết minh viên. Vậy nên du khách đến đây chỉ có thể check-in “phần vỏ” chứ không thể hiểu được hết “phần hồn”. Ví dụ, du khách chụp bức ảnh tại Nhà hát Cao Văn Lầu đăng lên mạng xã hội thì mọi người chỉ thấy công trình này đẹp, còn sức hấp dẫn bên trong, ý nghĩa của nó thì vẫn là một dấu hỏi.
Gần đây, Bạc Liêu mọc lên nhiều điểm DL sinh thái tự phát của người dân. Du khách đến đây rất thích thú với cảnh sắc thiên nhiên, nét văn hóa bản địa nhưng cũng chưa thật sự hài lòng với chất lượng dịch vụ. Có lần, tôi chứng kiến câu chuyện khách muốn thanh toán chi phí ăn uống bằng cách chuyển khoản nhưng chủ điểm DL (người khá lớn luổi) không biết sử dụng mã QR và tài khoản ngân hàng. Hay chuyện du khách muốn tìm hiểu những thông tin khác liên quan đến Bạc Liêu, hầu như người dân hoặc thậm chí là thuyết minh viên tại các điểm tham quan đều tỏ ra lúng túng, không nắm vững.
Ông Hồ Văn Cường - Giám đốc Dự án Điện gió Hòa Bình, cho biết: “DL ngày nay cần những bạn trẻ vì sự năng động, dễ chuyển tải giá trị đặc sắc của sản phẩm đến với du khách. Tuy nhiên, nguồn nhân lực DL của tỉnh hiện có trình độ từ đại học trở xuống, nghiệp vụ DL hầu như được đào tạo lại từ đầu. Đặc biệt, việc giao tiếp bằng tiếng Anh là điểm yếu lớn của các thuyết minh viên, hướng dẫn viên nên gặp khó trong phục vụ, đưa những câu chuyện hấp dẫn của DL đến với khách quốc tế”.
Tăng chất lượng đào tạo
Để gỡ điểm nghẽn cho chất lượng nguồn nhân lực, Sở VHTTDL cùng Hiệp hội DL Bạc Liêu, Trường đại học Bạc Liêu đã ký kết hợp tác trong các hoạt động DL, trong đó có công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu về văn hóa và DL. Qua gần 6 tháng ký kết, các bên đã tổ chức 12 lớp tập huấn về nâng cao năng lực quản lý, văn hóa ứng xử, kiến thức DL nông thôn cho cán bộ phụ trách DL, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, nhân viên các khu, điểm DL. Ngoài tiếp nhận kiến thức, các học viên được dành nhiều thời gian đi thực tế, thực hành bài tập và xử lý tình huống thường gặp trong quá trình phục vụ du khách.
Tiến sĩ Trương Thu Trang - Phó trưởng phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế Trường đại học Bạc Liêu, cho biết: “Hiện nay, các bạn thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các điểm tham quan DL dù có kiến thức nhưng không rộng rãi, giới thiệu theo kiểu “trả bài”. Hay những người dân có mô hình DL nông thôn do không có kỹ năng, kiến thức nên không thể “thổi hồn” cho sản phẩm. Chính vì vậy, việc đào tạo cho người dân phải được “cầm tay chỉ việc” chứ không thể qua tham gia một vài lớp tập huấn. Trong tập huấn cho các đối tượng, chúng ta nên tổ chức có chất lượng, định kỳ để cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới bởi nhu cầu của du khách luôn thay đổi, nâng lên”.
Theo các doanh nghiệp lữ hành trong nước, nếu không thể truyền tải được câu chuyện ở nơi mà du khách đến thì rất khó bán sản phẩm, chứ đừng nói muốn họ quay trở lại. Chính vì vậy, chuẩn hóa nguồn nhân lực với DL Bạc Liêu cần những giải pháp căn cơ, dài hơi để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong thời kỳ mới.
Theo Báo Bạc Liêu